Lãi suất điều hành giảm, doanh nghiệp có hết khó?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ 25/5, một loạt lãi suất điều hành sẽ điều chỉnh giảm 0,5 điểm %, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, trần lãi suất huy động giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Một số loại như lãi suất tái cấp vốn, cho vay qua đêm trong thanh toán bù trừ liên ngân hàng cũng giảm 0,5 điểm %.

Các chuyên gia nhận định, động thái hạ lãi suất điều hành lần này là "nỗ lực để hạ lãi vay giúp người dân, doanh nghiệp" của Ngân hàng Nhà nước.

Nỗ lực của nhà điều hành

Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2023... Ngay cả trên thị trường 1, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Việc giảm lãi suất điều hành của nhà điều hành đã được giới chuyên môn dự báo trước đó. Ảnh minh hoạ
Việc giảm lãi suất điều hành của nhà điều hành đã được giới chuyên môn dự báo trước đó. Ảnh minh hoạ

Việc giảm lãi suất điều hành của nhà điều hành đã được giới chuyên môn dự báo trước đó. Thực tế, chưa cần đến động thái giảm thêm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, liên tục thời gian qua, làn sóng giảm lãi suất huy động diễn ra tại hàng loạt ngân hàng. Những ngày gần đây, một số ngân hàng lớn tiếp tục giảm thêm lãi suất tiền gửi.

Trong khoảng 4 tháng vừa qua, lãi suất huy động 12 tháng tại các ngân hàng đã giảm 1-2%. Đáng chú ý, mặc dù lãi suất tiền gửi giảm nhưng nguồn tiền vẫn “chảy mạnh” vào ngân hàng trong khi đầu ra (cho vay) lại tăng thấp. Tính đến 20/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,57% so với cuối năm 2022, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (6,46%) cho thấy hấp thụ vốn kém.

Trong 4 tháng năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát thấp do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng bài toán cần đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay. Qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng”- Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Trên thực tế, việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động là điều kiện quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay. Nhưng lãi suất cho vay thời gian qua vẫn cao. Ngân hàng Nhà nước lý giải do hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế… một số NHTM quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 5%/năm sẽ giúp các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ hơn. Sử dụng lãi suất tái cấp vốn là nghiệp vụ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.

Hạ lãi suất chưa đủ, cần cơ chế cởi mở hỗ trợ doanh nghiệp

Với việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này, các chuyên gia dự đoán, trong cuối tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm thêm khoảng 0,2 - 0,5%/năm. Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect Trần Khánh Hiền nhận định, tại thời điểm này lãi suất cho vay chưa giảm xuống một cách đáng kể và có thể sẽ cần độ trễ từ 1 đến 2 tháng để lãi suất cho vay thực sự được kéo xuống.

Tuy nhiên, có một thực tế là ngay cả khi lãi suất ngân hàng giảm, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn không dễ dàng.

Trong bảng tổng hợp ý kiến của các Hiệp hội gửi đến Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay. Rất nhiều doanh nghiệp, không thể vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu. Nguyên nhân là do ngân hàng vẫn buộc phải bảo đảm khả năng thanh toán, tài sản thế chấp…. Đây là một trong những điều kiện rất khó cho doanh nghiệp mà cần có sự linh hoạt để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn tài chính như hiện nay.

Do đó, cần có quy định, điều kiện vay vốn riêng cho ngành, xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của các doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Nhà điều hành cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất. Triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước mắt… (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính – ngân hàng)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần