Lãi suất đồng loạt giảm thêm, liều thuốc "trợ lực" cho doanh nghiệp?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuối tuần qua lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục giảm. Các chuyên gia cho rằng sau động thái giảm lãi suất điều hành, NHNN sẽ nỗ lực thúc đẩy đưa thanh khoản vào nền kinh tế.

Thêm một loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động

Lãi suất huy động niêm yết tại VIB ghi nhận mức giảm từ 0,2-0,25%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Đây là lần thứ hai trong tháng 6, VIB thực hiện giảm lãi suất huy động.

Nhiều ngân hàng giảm tiếp lãi suất huy động sau Quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh hoạ
Nhiều ngân hàng giảm tiếp lãi suất huy động sau Quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, VIB điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn từ 1- 5 tháng xuống còn 4,75%/năm, giảm 0,25% so với trước đó. Ở các kỳ hạn dài, VIB cũng điều chỉnh giảm và mức cao nhất hiện tại 7,5%/năm kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, trong khi trước đó mức cao nhất 7,7%/năm.

ABBank cũng điều chỉnh hạ lãi suất kỳ hạn 1- 5 tháng của ngân hàng còn 4,75%/năm. Ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn 6 tháng xuống 8,2%/năm, 12 tháng còn 8,3%/năm.

Tại PVCombank, dù lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cập nhật hồi đầu tháng 6/2023 đã ở mức 4,5%/năm, dưới trần theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước nhưng PVcomBank vẫn tiếp tục giảm lãi suất các kỳ hạn này xuống 4,25%/năm.

 

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn đang ở mức thấp. Sau động thái giảm lãi suất điều hành, cơ quan điều hành sẽ nỗ lực thúc đẩy đưa thanh khoản vào nền kinh tế. (Ông Nguyễn Xuân Thành - đại học Fulbright Việt Nam)

Trước đó, các ngân hàng lớn big 4 gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank cũng giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng chỉ 4,5%/năm, đi kèm là giảm lãi suất cho vay.

Một số ngân hàng không phải cập nhật biểu lãi suất mới do trước đó đã niêm yết mức lãi suất huy động thấp hơn so với lãi suất trần 4,75%/năm. Đơn cử, Techcombank có mức lãi suất 4,7%/năm cho mọi loại hình tiền gửi thuộc các kỳ hạn 1-5 tháng.

Hiện có hơn một nửa số ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất 5%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Như vậy sẽ còn thêm nhiều ngân hàng cần điều chỉnh biểu lãi suất để đảm bảo quy định mới lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa còn 4,75%/năm.

Giảm lãi suất chưa đủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

NHNN quyết định giảm 0,25%-0,5% một loạt các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 19/6. Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp kể từ giữa tháng 3 tới nay. NHNN đã thực hiện giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó riêng tháng 3, NHNN có 2 lần giảm lãi suất. Sau đó đến tháng 5 NHNN tiếp tục giảm lãi suất vào ngày 25/5.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương khác như ECB và Anh vẫn vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; hoặc như Mỹ, dù kỳ họp vừa qua ngân hàng trung ương nước này (FED) không tăng lãi suất, song vẫn đang để ngỏ khả năng lãi suất có thể nâng lên ít nhất 2 lần nữa từ nay đến cuối năm.

 

Cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý, vốn… trong các lĩnh vực như đất đai, bất động sản, xây dựng, thông quan, tiếp cận điện, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm… Đây chính là các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp, người dân giảm khó khăn, thách thức và cũng là kích cầu đầu tư, tiêu dùng cũng như tín dụng trong thời gian tới. (TS Cấn Văn Lực)

Giảm lãi suất điều hành của NHNN là liều thuốc "trợ lực" cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu, đầu ra không có như hiện nay. Ngoài khó khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh, sự khó khăn, bế tắc của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ hiệu quả cũng là nguyên nhân gây nên điểm nghẽn dòng tiền.

“Điều cần làm hiện tại là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, lãi suất có giảm sâu mà doanh nghiệp, người dân không có nhu cầu thì họ cũng không vay vốn"- chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói.

Với 4 lần giảm lãi suất liên tiếp, một số chuyên gia cho rằng dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm vẫn còn. Theo ước tính của giới phân tích, NHNN có thể giảm thêm khoảng 0,5 điểm % cho từ giờ đến cuối năm. Dù vậy, việc quyết định giảm thêm bao nhiêu % sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố để NHNN điều hành một cách linh hoạt, chủ động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

NHNN khẳng định sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát; trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao. NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.