Lãi suất huy động gần chạm mốc 10,5%/ năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 7%/năm lên mức 8%/năm có hiệu lực, mặt bằng lãi suất huy động đã được đẩy lên 10,49%/năm.

KTĐT - Sau khi quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 7%/năm lên mức 8%/năm có hiệu lực, mặt bằng lãi suất huy động đã được đẩy lên 10,49%/năm.

Trước đó, ngay trong ngày đầu quyết định tăng lãi suất cơ bản có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cho biết, sẽ thanh tra toàn diện đối với các tổ chức tín dụng có lãi suất huy động VND từ 10,5% trở lên. Một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất ở mức 10,5% đã điều chỉnh giảm nhẹ xuống 10,49% sau khi có văn bản trên.

Theo Ngân hàng nhà nước, quyết định này nhằm tạo sự ổn định mặt bằng lãi suất chung vì những trường hợp tăng lãi suất huy động từ mức 10,5%/năm trở lên sẽ phá vỡ mặt bằng huy động trên thị trường.

Mức lãi suất 10,49%/năm được nhiều ngân hàng thương mại áp dụng đồng loạt cho các kỳ hạn từ 3-36 tháng. Mức lãi suất huy động cao nhất ghi nhận được là của Ngân hàng liên doanh Việt-Nga, các kỳ hạn 1, 2 và 6 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) áp dụng mức 10,495%/năm; Riêng kỳ hạn 3 tháng được áp dụng mức 10,499%/năm. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng cổ phần lớn, để được hưởng mức lãi suất cao nhất này, người gửi tiền phải có số dư từ 5 tỷ đồng trở lên.

Sáng ngày 7/12, ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) tiếp tục tăng lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn. Đây là lần điều chỉnh thứ hai trong tháng, sau lần tăng ngày 2/12 vừa qua. Mức lãi suất huy động VND được VietBank điều chỉnh tăng từ 0,11% - 0,26%/năm cho các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến 6 tháng và tăng 0,26% -0,40%/năm dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng. Cụ thể lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn: 1 tháng 10,00%/năm, 3 tháng 10,10%/năm, 6 tháng 10,17%/năm, 12 tháng 10,25%/năm, 36 tháng 10,45%/năm. Riêng sản phẩm “Lãi suất tiết kiệm – Plus” kỳ hạn 24 tháng lãi suất cao nhất lên tới 10,49%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất cộng thưởng VND từ 0,01% - 0,2%/năm, dành cho khách hàng có số tiền gửi từ 50 triệu đồng trở lên.

Từ ngày 4/ 12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) cũng công bố điều chỉnh tăng lãi suất trả hàng tháng ở các kỳ hạn trên 8 tháng của sản phẩm tiết kiệm rút gốc linh hoạt với mức tăng dao động từ 0.15% đến 0.2%, lãi suất trả theo tháng cao nhất đạt mức 10,45%. Lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt trả cuối kỳ cũng ở mức cao, đạt 10,48% đến 10,49% với các kỳ hạn trên 9 tháng. Riêng với sản phẩm tiết kiệm bậc thang, lãi suất ở tất cả các kỳ hạn đều được điều chỉnh. Mức lãi suất tiết kiệm bậc thang cao nhất đạt 10,49% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng.

Một số ngân hàng cổ phần lại áp dụng các chương trình tặng tiền mặt theo các tỷ lệ phần trăm ứng với các khoản tiền gửi, hoặc tiền mua kỳ phiếu, để tạo thêm hấp dẫn bên cạnh lãi suất; như tại Ngân hàng Đại Dương là 0,16% cho các khoản tiết kiệm từ 100 triệu đồng trở lại, hay tại Ngân hàng Bắc Á với mức tối đa 0,4% cho khách hàng tham gia mua kỳ phiếu…

“Để đảm bảo hiệu quả và an toàn hoạt động kinh doanh, các ngân hàng thương mại phải có mức chênh lệch lãi suất giữa đầu ra và đầu vào hơn 2%/năm. Như thế, các ngân hàng thương mại huy động vốn với mức lãi suất từ 10,5% trở lên là một hiện tượng không bình thường, có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc huy động vốn, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống”- ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ -Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần