Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất huy động liên tiếp tăng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiết kiệm sau khi đã có đợt điều chỉnh đầu tháng 5, trong đó cao nhất tăng 0,6%. Cuộc đua lãi suất đang được hâm nóng khi ngày càng xuất hiện thêm nhiều yếu tố.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Do nhiều ngân hàng thay đổi biểu lãi suất, nên bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi cao nhất trong tháng 5/2022 cũng có một vài thay đổi so với tháng trước đó. Dẫn đầu danh sách là SCB với mức lãi suất 7,6%/năm.

Mức lãi suất niêm yết này đối với kỳ hạn 13 tháng, và chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên. Xếp sau là ngân hàng HDBank với mức lãi suất cao nhất 7,15%/năm.

Điều kiện đi kèm để được hưởng lãi suất này là khách hàng cần có khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ với kỳ hạn 13 tháng. Nếu không đạt đủ số tiền tối thiểu, ngân hàng áp dụng lãi là 6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Thay vì chỉ tăng lãi suất các kỳ gửi dài hạn như những đợt trước, hiện nhiều đơn vị gần như điều chỉnh ở tất cả kỳ hạn. CBBank tăng thêm 0,15-0,4% một năm cho lãi suất các kỳ hạn thông dụng, kể cả giao dịch tại quầy và online.

Đợt điều chỉnh này đưa ngân hàng lên vị trí thứ hai về lãi suất tiết kiệm tại quầy và thứ ba với giao dịch online (trước đó, lãi suất của CBBank vẫn luôn nằm trong nhóm cao nhất thị trường).

Techcombank và ACB đang cùng triển khai lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 7,1%/năm (khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng tại Techcombank sẽ được nhận lãi suất ưu đãi kể trên). Trong nhóm các nhà băng có vốn hóa lớn, Techcombank thường xuyên điều chỉnh lãi suất tiết kiệm từ đầu năm đến nay, dẫu tăng giảm không đồng đều. Đợt này, ngân hàng tăng 0,1 - 0,3% một năm cho lãi suất các kỳ 1, 3, 6 và 12 tháng gửi online. Riêng tiền gửi 9 tháng tăng 0,5% một năm.

Trong khi đó ngân hàng ACB đang huy động lãi suất 7,1%/năm cho khoản tiền gửi tối thiểu từ 100 tỷ đồng trở lên, với thời hạn gửi là 13 tháng. Hay như Nam Á Bank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,2%/năm, lên 6,4%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 7,4%/năm đối với kỳ gửi từ 16 tháng trở lên khi khách hàng gửi online. MB tăng lãi suất từ 0,15 - 0,24% tại một số kỳ hạn chủ chốt, như kỳ hạn 6 tháng ở mức 4,44%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 5,39%/năm, kỳ hạn 24 tháng niêm yết lãi suất là 5,75%/năm…

Trong khi đó, MSB (7%/năm); LienVietPostBank (6,99%/năm); MB (6,9%/năm), Việt Á Bank (6,9%/năm), BacABank (6,9%/năm)... Nhưng các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.

Từ đầu năm đến nay, tăng lãi suất tiết kiệm trở thành xu hướng chủ đạo của ngành ngân hàng. Tính từ giữa tháng 5/2022, có đến 11/34 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất gửi tiết kiệm, trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh và dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng chưa như kỳ vọng. Thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng - huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay.

Số liệu từ NHNN cho thấy, tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 (tương đương 16,4% so với cùng kỳ), cao nhất trong 10 năm qua, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).

Báo cáo của các công ty chứng khoán cho hay, trung hạn giai đoạn 2022 - 2025 khi kinh tế trong nước và quốc tế hồi phục, lãi suất huy động tăng trở lại vì nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng lên để đáp ứng cho sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh. Bên cạnh đó áp lực lạm phát ngày càng rõ nét.

Đến thời điểm này, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV chưa ghi nhận sự điều chỉnh, còn lại mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3 - 0,6 điểm % so với cuối năm 2021 ở hầu hết ngân hàng. Hiện VietinBank có lãi suất cao nhất ở mức là 5,6%/năm.

Trong khi mức cao nhất tại các ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV cùng là 5,5%/năm.

Các ngân hàng thương mại nhà nước chưa điều chỉnh biểu lãi suất huy động chủ yếu là do vẫn giữ được lợi thế về nguồn vốn. Trong đó, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 66.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình miễn phí chuyển khoản kể từ đầu năm 2022 cũng đang phát huy hiệu quả để hút tiền gửi không kỳ hạn về.