Lãi suất nên thấp hơn nữa để doanh nghiệp tập trung sản xuất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi công bố hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn và lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều ngân hàng thương mại và nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao động thái này.

Tuy nhiên, vẫn có chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay nên giảm hơn nữa thì mới có thể kích thích doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thấp nhất còn 4%

Thực hiện theo "hiệu triệu" của Ngân hàng Nhà nước, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước vốn đã niêm yết lãi suất thấp hơn cả mức trần Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh rất nhiều (trước đó là 4,2-5%/năm), thì nay lại tiếp tục hạ lãi suất hơn nữa.

Điển hình Agribank thông báo giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 4,5%, 3 tháng là 5% và từ 4-5 tháng là 5,5%/năm.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở Vietcombank còn 4,3%/năm (giảm 0,2%); các kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng áp dụng như của Agribank.

Tại BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 thán cũng giảm về 4,3%/năm; 2 tháng là 4,5% và 3 tháng là 5%/năm.

Cùng đó là sự nhập cuộc nhanh chóng của các ngân hàng thương mại cổ phần, theo biểu niêm yết của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank), lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 5,5%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 1-4 tháng lãi suất dao động từ 5-5,3%/năm..

 
Lãi suất huy động đã được các ngân hàng thương mại giảm xuống còn 4%/năm. (Nguồn: BaovietBank).
Lãi suất huy động đã được các ngân hàng thương mại giảm xuống còn 4%/năm. (Nguồn: BaovietBank).
Lãi suất huy động ở ACB áp dụng 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng trong khi kỳ hạn 3 tháng là 5,1%/năm.

VPBank không phân biệt nhiều giữa các kỳ hạn ngắn, lãi suất áp dụng là 5,4 – 5,5%/năm. VIB áp dụng đồng loạt mức lãi suất 5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Lãi suất tại TPBank là 5,2 – 5,4%/năm.

Theo một số phòng giao dịch trên địa bàn Hà Nội, giao dịch tiền gửi của khách hàng vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí khách hàng đến đổi sổ gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hơn để có lãi suất tốt hơn.

Các mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam cũng được các ngân hàng thương mại điều chỉnh. Cụ thể, Agribank cho vay ngắn hạn áp dụng tối đa 7%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; 10,5%/năm đối với cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên áp dụng từ 8,5%-10%/năm, dành cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác áp dụng từ 10%/năm – 12%/năm.

Cũng bắt đầu từ ngày 29/10, Vietcombank đã điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ mức 8,0%/năm xuống còn 7,0%/năm và áp dụng trần lãi suất cho vay VND trung dài hạn 10%/năm đối với các đối tượng này.

Doanh nghiệp mong có lãi suất thấp cố định

Theo nhận định của TS.Cao Sỹ Kiêm, với mặt bằng lãi suất mới, chắc chắn doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn khi tiết giảm thêm được chi phí và tăng điều kiện tiếp cận vốn. Riêng việc giảm lãi vay trung, dài hạn, lời hiệu triệu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi áp trần 10%/năm là rất đáng chú ý. Vì thời gian qua, các ngân hàng có tỷ lệ huy động vốn trung, dài hạn không lớn nên cần phải có lời thuyết phục, hiệu triệu để ngành ngân hàng đồng lòng hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Bà Trịnh Nguyễn, chuyên gia của Ngân hàng HSBC cũng đánh giá, đây là một phần của nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng tốc vào giai đoạn cuối năm. "Chúng tôi kỳ vọng mức độ tăng trưởng tín dụng vào khoảng 10% trong năm nay," bà Trịnh Nguyễn nhận định.

Ngược lại với các ý kiến trên, chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt thì cho rằng, đây là động thái điều hành được xem là hơi trễ của Ngân hàng Nhà nước, khi chỉ còn 2 tháng nữa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12-14%.

Điều này có thể được lý giải khi nguồn cung tiền trong hệ thống ngân hàng đang khá dư thừa, trong khi đó đầu ra của ngân hàng là tín dụng vẫn đang diễn biến rất chậm.

Tuy nhiên, Rồng Việt cho rằng, động thái hạ lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước có thể là một tuyên bố chung để các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh mức lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 24/10 đạt 7,85%, còn khá xa mục tiêu đề ra. Điều này là bởi lẽ, tuy thanh khoản dồi dào nhưng các ngân hàng vẫn e dè mở rộng tín dụng bởi lo ngại vấn đề nợ xấu.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hoàng Ngân cho rằng, sự mong đợi của các nhà sản xuất kinh doanh hiện nay là nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất cố định thấp, ở mức 5-6%/năm, cùng lắm là 7% để doanh nghiệp có thể đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, tạo được sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập và không phụ thuộc vào thị trường máy móc của Trung Quốc.

Những doanh nghiệp này cần nguồn vốn để tăng năng suất lao động để tạo ra sản phẩm thì lãi suất đó phải là cố định và lãi suất thấp.

Ông Ngân cũng thừa nhận, với mức lãi suất như vậy thì các ngân hàng thương mại không thể làm được mà cần phải có sự trợ giúp của Chính phủ. Như vậy Chính phủ phải giành gói hỗ trợ này như một khoản đầu tư cho tương lai vì khi doanh nghiệp phục hồi thì mới đóng góp lại cho nguồn thu của Ngân sách Nhà nước.

Với lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất trung dài hạn về mức 10%, theo ông Ngân là các ngân hàng có thể làm nhưng mong đợi của doanh nghiệp phải ở mức thấp hơn để mới có thể có thêm động lực tiếp tục sản xuất kinh doanh.

"Các doanh nghiệp sẽ cảm thấy ấm lòng vì được Nhà nước quan tâm. Lâu nay họ rất buồn vì thấy mình toàn ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài mà thiếu ưu đãi chính thức cho doanh nghiệp dân doanh," ông Ngân chia sẻ thêm.