Lãi suất huy động cao nhất tháng 1/2023 dưới 9,5%
Hiện tại, lãi suất huy động cao nhất được đa phần ngân hàng niêm yết thấp hơn mức 9,5%/năm.
Cụ thể, tại SCB, lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng đứng ở mức 9,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất này được áp dụng với các khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn 13 tháng. Trong tháng 12/2022, biểu lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân tại SCB ghi nhận tăng tại đa số kỳ hạn. Trong đó, với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi SCB tăng 1,15 điểm % lên mức cao nhất là 9,95%/năm.
Tương tự, tại PVCombank lãi suất tiết kiệm cao nhất đang đứng ở mức 9,5%/năm, với các khoản tiền gửi tiết kiệm bậc thang bằng hình thức gửi online. Tại quầy, lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 9,3%/năm.
Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường, lĩnh lãi cuối kỳ tại Techcombank hiện đang ở mức 9,2%/năm. Đầu tháng 12, lãi suất của các sản phẩm tiết kiệm thông thường và tiết kiệm Phát Lộc của Techcombank đều ghi nhận tăng tại nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ đang có mức lãi suất cao nhất là 9,3%/năm.
Tại VPBank, biểu lãi suất huy động từ 6 tháng đến 36 tháng được niêm yết từ 8,7 - 9,2%/năm. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất là 9,2%/năm được dành cho các kỳ hạn 18 - 36 tháng.
Tại các ngân hàng big 4 như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, lãi suất huy động trong những ngày đầu tiên của năm mới 2023 vẫn ổn định so với trước nghỉ lễ. Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 6, 9, 12, 24 tháng dao động từ 6,0 - 7,4%/năm. Hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất được các ngân hàng này niêm yết là 7,4%/năm.
Đối với lãi suất cho vay, Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên cam kết giảm lãi suất cho vay ngay ngày đầu năm 2023. Theo đó, Vietcombank sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh. Thời gian áp dụng từ 1/1 đến hết 30/4.
Trước đó, cùng với Agribank và một loạt ngân hàng tư nhân đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm, Vietcombank đã thực hiện giảm lãi suất 1%/năm đối với khách hàng DN, cá nhân đang vay với thời gian triển khai từ ngày 1/11 đến hết 31/12/2022.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đã nhận được văn bản cam kết lãi suất huy động không cao quá 9,5%/năm của hơn 20 tổ chức tín dụng. Đến nay, nhiều ngân hàng đã thông báo công khai hạ lãi suất huy động từ 1 - 2,5%/năm so với trước, lãi suất cho vay cũng được giảm theo.
Năm 2023, xuất hiện các yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất
Sau các chỉ đạo quyết liệt từ NHNN, lãi suất tiền gửi và cho vay ngân hàng đã chững lại và hạ nhiệt. Tín hiệu đáng mừng là lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua đã giảm mạnh. Đây được coi là một trong những thông điệp tích cực dự báo mặt bằng lãi suất chung có thể hạ nhiệt, tạo động lực tốt cho kinh tế. Đến nay, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 3,49%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mức lãi suất qua đêm thời điểm đầu tháng 11 có lúc đã lên tới 6,36%. Tương tự, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đã giảm thấp xuống chỉ còn 4,24%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh lên tới trên 7% vào đầu tháng 11/2022.
TS Châu Đình Linh - Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết, việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh thời gian qua một phần nhờ kết quả của hàng loạt động thái điều hành khá hợp lý của NHNN. Cụ thể, hoạt động thị trường mở (OMO) được điều hành linh hoạt, các động thái bơm và hút tiền qua thị trường mở đã hỗ trợ tốt cho thanh khoản của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, tiền gửi vào hệ thống cũng tăng lên. Trong báo cáo triển vọng 2023 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng, tiền gửi khu vực dân cư phục hồi trong năm 2023 nhờ: Bong bóng đầu cơ đất đai xẹp; kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt; thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm tính hấp dẫn do nhà đầu tư cân đối lại kỳ vọng lợi nhuận/rủi ro.
Lãi suất cho vay trong năm 2023 có tiếp tục giảm nữa hay không? Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, có hay không còn phụ thuộc nhiều vào những yếu tố cả trong nước và nước ngoài nhưng tinh thần là giảm để hỗ trợ DN, phát triển kinh tế.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, áp lực lạm phát, tỷ giá toàn cầu năm 2023 sẽ giảm dần. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với nền kinh tế nước ta chính là các yếu tố nội tại. Riêng với chính sách tiền tệ, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thách thức lớn nhất năm 2023 chính là vấn đề lãi suất do DN còn khó khăn. Theo chuyên gia này, trọng tâm chính sách của NHNN và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Các chuyên gia nhận định sang năm 2023, một số xu hướng xuất hiện giúp Việt Nam có điều kiện để giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, một số xu hướng xuất hiện cho thấy rủi ro bên ngoài bắt đầu hạ nhiệt như: Fed cân nhắc tăng lãi suất ở mức độ nhẹ; lạm phát tại các nước bớt căng thẳng... Trong nước, lạm phát giữ ở mức mục tiêu; kinh tế vĩ mô ổn định. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện để tận dụng cơ hội giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023.
Mục tiêu tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn được NHNN thể hiện khá rõ ràng, đặc biệt thông qua việc cơ quan quản lý thị trường tiền tệ liên tục nhắc nhở các ngân hàng phải tìm các biện pháp đưa lãi suất xuống thấp.
Với mục tiêu duy trì ổn định lãi suất, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ DN và người dân. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hướng đồng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa…); tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.