Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất ngân hàng giảm, đầu tư vào đâu để sinh lời cao?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục giảm sâu, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn tìm lời giải bài toán sinh lời cao hơn cho đồng vốn.

Lãi suất đuối sức, kém hấp dẫn

Bước sang tháng 3, thị trường lãi suất chưa có dấu hiệu dừng giảm khi lần lượt các ngân hàng vẫn liên tiếp hạ lãi suất, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm xuống còn một nửa so với cuối năm 2022. Từ đầu tháng 3 đến nay đã có 19 ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm gồm: PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, Agribank, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, SCB, Saigonbank, BIDV, Sacombank, ABBank, SeABank...

Lãi suất huy động của ngân hàng liên tục giảm sâu.
Lãi suất huy động của ngân hàng liên tục giảm sâu.

Cụ thể, ngày 22/3, Vietinbank giảm lãi suất tiết kiệm, với mức giảm 0,1 – 0,2% tại tất cả kỳ hạn. Trong đó, mức lãi suất huy động cao nhất được VietinBank áp dụng đã giảm về còn 4,8%/năm từ mức 5%/năm trước đó.

Trước VietinBank, BIDV và Agribank cũng đã giảm thêm lãi suất huy động trong những ngày gần đây, đưa mức lãi suất tiền gửi cao nhất xuống dưới 5%/năm.

Tại BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng đã giảm từ 1,9%/năm xuống 1,7%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 2,2%/năm xuống 2%/năm; kỳ hạn 6 – 9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm; kỳ hạn 12 – 18 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm; kỳ hạn 24 – 36 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,8%/năm.

Tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,9%/năm; các kỳ hạn 6 – 11 tháng có lãi suất được giữ nguyên ở mức 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng được Agribank giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%/năm. Vietcombank cũng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm kể từ tháng 1/2024.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất tiết kiệm giảm đến 50%. Lãnh đạo các ngân hàng và giới phân tích nhận định mặt bằng duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.

Ngoài ra, không chỉ kém hấp dẫn do lãi suất thấp, kênh gửi tiết kiệm còn phải đối mặt với nguy cơ lạm phát khiến đồng tiền mất giá. Xét theo tình hình kinh tế hiện nay, giá cả mọi thứ tiếp tục tăng, lạm phát là điều khó tránh khỏi, vấn đề chỉ là nhiều hay ít.

Đau đầu chọn “bến đỗ” cho dòng tiền

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm sâu, khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi đau đầu chọn “bến đỗ” mới để đồng vốn sinh lời cao. Bởi vàng cũng không phải kênh được nhà đầu tư ưu tiên do mức tăng đang quá cao và biến thiên liên tục khó kiểm soát. Một kênh đầu tư khác là chứng khoán lại không phải nhà đầu tư nào cũng có kiến thức.

Chị Nguyễn Thị Hương (Hà Đông) chia sẻ, tôi đang đầu tư vàng, tuy nhiên thị trường vàng thay đổi liên tục, lập đỉnh mới mỗi ngày, nên chị lo ngại giá vàng sẽ đạt đỉnh và tuột dốc không phanh trong thời gian tới. “Ngoài mua vàng, hiện nay tôi đang cân nhắc đầu tư thêm vào chứng khoán, nhưng do không có nhiều kiến thức về mảng này nên vẫn còn e dè” – chị Hương cho hay.

Trong khi đó, chị Đồng Thị Mạnh (Mỹ Đức) đang gửi tiết kiệm trong ngân hàng lại có ý định rút tiền về đầu tư bất động sản. “Nhìn vào giá nhà đất và giá chung cư tăng lên từng ngày, tôi cũng sốt ruột với khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng vì lãi suất đang quá thấp” – chị Mạnh nói.

Các chuyên gia tài chính nhận định, tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm nay vẫn còn khó khăn. Vì vậy nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư ít kinh nghiệm và trải nghiệm trên thị trường nên cân nhắc kỹ lưỡng các kênh đầu tư.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ ngân hàng sang các kênh khác. Hai kênh đang có cơ hội thu hút dòng vốn nhiều nhất là vàng và chứng khoán. Giá vàng quốc tế và trong nước nhiều khả năng tiếp tục tăng cho đến khi Chính phủ có sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Do đó, một bộ phận nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục đổ tiền vào kênh này.

Với kênh đầu tư bất động sản, giới phân tích tài chính dự báo, kênh này sẽ hút dòng tiền trong dài hạn. Tuy nhiên, vấn đề của nửa đầu năm nay dự kiến vẫn là doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn, rủi ro thị trường ở mức cao và chưa có nhiều sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân khi còn khó khăn, nhưng có triển vọng hồi phục trong nửa sau của năm 2024.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chứng khoán là kênh chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Muốn đầu tư, nên trang bị kiến thức tài chính để phân tích tài chính các doanh nghiệp phát hành, tránh đầu tư theo kiểu “bầy đàn”, theo cảm tính.

“Nhìn chung, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên phân bổ tiền đầu tư theo nhiều rổ, trong đó ít nhất 30% vào tiền gửi ngân hàng do luôn có lãi suất thực dương trên tỉ lệ lạm phát (lạm phát năm 2024 là 4%), 30% vào chứng khoán, 30 - 40% vào bất động sản. Nếu có tham vọng, có thể đầu tư vào vàng tối đa 30%. Nên đầu tư vào kênh đảm bảo an toàn vốn, không đầu tư vào kênh có khả năng mất vốn. Chỉ đầu tư vào kênh có tính thanh khoản cao” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra lời khuyên.