Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại xảy ra hiện tượng trên 30 điểm mới trúng tuyển đại học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trường ĐH Luật Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển trình độ đại học theo phương thức xét kết quả học bạ bậc THPT; trong đó ngành Luật Kinh tế tổ hợp A01 có điểm chuẩn 30,30.

Sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội (Ảnh: FB HLU)
Sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội (Ảnh: FB HLU)

Năm 2023, mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ vào Trường ĐH Luật Hà Nội dao động từ 22,43 - 30,30 điểm, đã bao gồm điểm khuyến khích, ưu tiên.

Trong đó, ngành Luật Kinh tế xét tuyển bằng tổ hợp A01 có mức điểm chuẩn học bạ cao nhất, với 30,30 điểm. Như vậy, kể cả thí sinh được 3 điểm 10 vẫn không có cơ hội đỗ vào ngành Luật Kinh tế tổ hợp A01 nếu không có điểm ưu tiên, khuyến khích.

Cũng ngành Luật Kinh tế, điểm chuẩn tổ hợp A00 là 29,73 và điểm chuẩn tổ hợp C00 là 29,67.

Tiếp đến, ngành Luật Thương mại quốc tế có mức điểm chuẩn học bạ từ 29 điểm trở lên với các tổ hợp xét tuyển A01, D01. Các ngành khác đào tạo tại phân hiệu Đắk Lắk lấy điểm chuẩn từ 22,43 - 23,8.

Điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội xét theo phương thức học bạ
Điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT và xét kết quả chứng chỉ ngoại ngữ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điểm chuẩn vào Trường ĐH Luật Hà Nội có ngành vượt ngưỡng 30 điểm là đang đi ngược với cách tính điểm ưu tiên mới của Bộ GD&ĐT áp dụng từ năm 2023.

Cụ thể, từ năm nay, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; có nghĩa là học sinh đạt điểm càng cao thì mức điểm ưu tiên càng thấp.

Cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. Điểm ưu tiên tính theo quy chế sẽ được giảm tỷ lệ với tổng điểm đạt được của thí sinh tại các mức điểm, được làm tròn đến 0,01 điểm.

Theo cách tính này, những thí sinh đạt điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30 thì với các em đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.

Đối với các em đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của thí sinh sẽ giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Với công thức xác định điểm ưu tiên mới, các em đạt điểm càng cao điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở KV3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.

Với trường hợp điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế tổ hợp A01 của Trường ĐH Luật Hà Nội vượt ngưỡng 30 cho thấy, việc áp dụng quy định cộng điểm ưu tiên mới của Bộ đang gây lúng túng. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, rất dễ tiếp diễn hiện tượng này trong kỳ tuyển đại học năm nay.