KTĐT - Người lao động tự do thường đi theo nhóm đồng hương: Dọc dốc Bưởi, có gần 100 lao động, chủ yếu dân miền biển Nam Định và Thanh Hóa. Nơi tập trung nhiều lao động khác là cầu Văn Điển, cầu Chương Dương, vườn hoa Hà Đông, trên đường Nguyễn Trãi gần chợ Phùng Khoang nơi tập trung dân Thanh Hóa, Nam Định...
Gần đến cuối năm, trên các nẻo đường lại nhộn nhịp các chợ lao động. Người đứng trên vỉa hè, người ngồi quán nước, từng nhóm chăm chăm chờ người đến tìm thuê. Khi có khách thì ùa ra vây kín, trao đổi, rồi cả nhóm "đua xe" lên đường, giành nhau để có việc làm, "nhộn nhịp" cả một góc phố.
Làm "cửu vạn" vì tương lai của con
Người lao động tự do thường đi theo nhóm đồng hương: Dọc dốc Bưởi, có gần 100 lao động, chủ yếu dân miền biển Nam Định và Thanh Hóa. Nơi tập trung nhiều lao động khác là cầu Văn Điển, cầu Chương Dương, vườn hoa Hà Đông, trên đường Nguyễn Trãi gần chợ Phùng Khoang nơi tập trung dân Thanh Hóa, Nam Định...
Tại dốc Bưởi, chúng tôi được nghe câu chuyện của ông Nguyễn Văn Hùng (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Ông có 4 người con, gia đình làm ruộng nhưng các con ông học hành giỏi giang, hiện hai con gái đang học đại học ở Hà Nội và ông vẫn còn bố mẹ già phải chăm sóc.
Ông Hùng tâm sự: "Ở quê ruộng ít lại không có nghề phụ. Mấy sào ruộng không nuôi đủ 8 miệng ăn. Thế nên khi cô con gái đầu đỗ đại học, tôi liền ra Hà Nội làm "cửu vạn". Con đầu chưa ra trường, lại đến đứa thứ hai vào đại học, tôi lại tiếp tục bám trụ với công việc mưu sinh vất vả ở thành phố để nuôi hai con. Nhiều lúc gặp người khó tính kỳ kèo từng đồng còn mắng chửi thậm tệ".
Nhưng vì mưu sinh, chỉ cần có tiền lo cho gia đình và nuôi con ăn học là ông chấp nhận tất cả. Không riêng ông Hùng, nơi này còn rất nhiều cảnh đời, nhiều người cha đi làm "cửu vạn" vì tương lai của các con.
"Đua việc"
Ở chợ lao động, không chỉ có phái mạnh mà còn có sự góp mặt của cánh chị em. Nhất là khi công việc đồng áng đã xong xuôi. Chị Lê Thị Trâm (30 tuổi) quê Nam Định, đã có thâm niên bán sức lao động ở chợ Phùng Khoang ngót 5 năm tâm sự: "Chúng tôi làm đủ mọi việc từ mang vác hàng hóa, dọn nhà, đánh vữa, nạo vét cống, chở cát đến các công trường... tới việc đào bới đập phá nhà, san lấp đường... miễn là có thể kiếm ra tiền".
Trước cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh, "chợ người" có hơn 100 người cả nam lẫn nữ (độ tuổi từ 17 - 55), ngồi thành nhiều nhóm, tập trung ở đây chờ việc. Chúng tôi quan sát khá lâu mới thấy có người đến thuê, lúc này trong nhóm người lao động ở đây, họ phải tranh giành nhau bất chấp đường sá, xe cộ chạy đông. Vừa có người đến thuê là cả đoàn đua nhau đạp xe, ai đến trước làm trước thì có việc, ai đến sau coi như bỏ sức mà không kiếm được gì.
Ngồi uống nước cùng nhóm lao động trên dốc đường Bưởi, chúng tôi thấy nhiều điều thú vị. Ở đây rất nhiều người có điện thoại di động. Sáng ra nhóm này đã có vài khách gọi trao đổi. Anh Lê Đình Thắng (50 tuổi) nói: "Ở đây gần 6 năm nay, làm cho nhiều chủ nên tôi cũng có nhiều mối quan hệ. Nhiều chủ thầu còn có "hợp đồng" với tôi, khi có việc là họ gọi chúng tôi đến. Làm được việc, rồi người này giới thiệu người kia, thành ra cũng có việc làm đều".