Trước tình hình số lượng bò sữa ở huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chết hàng loạt và tiếp tục gia tăng, ngày 9/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.
Theo Bộ NN&PTNT, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về tình trạng đàn bò sữa ở huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chết hàng loạt và có biểu hiện tiêu chảy, ngày 7/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo Cục Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng tập trung các biện pháp khắc phục.
Ngay trong ngày 7/8, Cục Thú y đã thành lập đoàn đến tỉnh Lâm Đồng để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân. Trong đêm ngày 7/8 và ngày 8/8, Đoàn công tác của Cục Thú y đã đến các hộ có bò bệnh, chết để tổ chức lấy mẫu điều tra, xác định nguyên nhân.
Trong đêm ngày 8/8 và ngày 9/8, các Phòng thí nghiệm của Cục Thú y sẽ xét nghiệm, xác định các tác nhân có khả năng gây bệnh tiêu chảy trên bò (bao gồm: bệnh tiêu chảy có màng nhày do vi rút ở bò, bệnh Viêm da nổi cục; bệnh do vi khuẩn Clostridium perfringens, Salmonella, E.coli; một số loại nấm mốc, độc tố...). Dự kiến trong 1-2 ngày sẽ có kết quả bước đầu.
Để khẩn trương tổ chức xác định nguyên nhân và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương, các sở, ban ngành, các cơ quan chuyên môn và chủ gia súc tạm dừng sử dụng vaccine phòng bệnh Viêm da nổi cục và các vaccine phòng các dịch bệnh khác trên đàn bò trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cử lãnh đạo cùng với đại diện chính quyền, cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đến trao đổi, động viên chủ gia súc, nhất là chủ hộ có gia súc bị bệnh, bị chết yên tâm phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống, điều tra xác định nguyên nhân; đồng thời khẩn trương có giải pháp hỗ trợ trước mắt cho chủ gia súc.
Theo thống kê của Sở NN&TNT tỉnh Lâm Đồng, hiện đã ghi nhận có hơn 3.700 con bò của 163 hộ dân tại 4 xã: Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra (huyện Đơn Dương) và Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) bị bệnh tiêu chảy; tổng số bò chết là 101 con của 39 hộ dân, trong đó huyện Đức Trọng có 25 con, huyện Đơn Dương có 76 con chết.