Sáng 13/8, tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 8/2024, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã thông tin về tình hình và diễn biến bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa. Đây là vấn đề rất được dư luận và bà con nông dân quan tâm trong lúc này.
Ông Ngô Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị.
Theo ông Ngô Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, từ cuối tháng 7/2024, đã phát sinh bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà. Luỹ kế đến 16h00, ngày 12/8/2024, có 5.350 con bò phát bệnh; 237 con bị chết (trong đó, huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 chết; huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 chết; huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 02 con chết.
Trước đó, chiều ngày 11/8/2024, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT đã thông tin với báo chí về việc tiêm vắc xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac của Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) có sự ảnh hưởng đến bò bị bệnh tiêu chảy.
Vắc xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac được UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức mua thông qua đấu thầu cung ứng 8 loại hàng hóa (06 loại vắc xin, 02 loại hóa chất), trong đó Vắc xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac do Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) cung ứng. Việc mua thuốc đảm bảo đầy đủ quy trình và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cũng theo Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng, các đàn bò bị tiêu chảy đều là những đàn đã tiêm vắc xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac. Và đàn bò phát bệnh sau khoảng 8-10 ngày khi tiêm vắc xin.
Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tích cực có các biện pháp phòng chống và điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò.
Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, xã đến kiểm tra cụ thể tình hình bệnh để xác định nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời tạm dừng việc tiêm phòng vắc xin Navet- Lpvac và triển khai một số biện pháp phòng chống bệnh tạm thời trên đàn bò sữa. Sở đã xuất 1.800 lít hóa chất để các địa phương khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh.
Bên cạnh lực lượng chính của các huyện, tỉnh Lâm Đồng đã huy động thêm 74 người (trong đó có 12 chuyên gia của Cục Thú y; 25 người thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 24 bác sỹ thú y, thú y viên của các địa phương khác và 13 thú y viên của các đơn vị chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn trên địa bàn) xuống trực tiếp hỗ trợ các hộ dân có bò bị bệnh thực hiện điều trị.
Sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng, ban hành phác đồ điều trị cho các trường hợp bò bệnh và khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện.
Huy động các nguồn lực, tiếp nhận và cấp phát một số loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim trợ lực, kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt để hỗ trợ người dân thực hiện công tác điều trị bệnh.
Theo Sở NN&PTNT, sau thời gian tích cực điều trị theo phác đồ, một số bò bệnh nặng đã có những diễn biến tích cực, giảm bớt các triệu chứng; bò bị bệnh nhẹ đã hết triệu chứng bệnh.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống bệnh, nhất là trên địa bàn 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Huy động tiếp nhận các vật tư, hóa chất sát trùng và kịp thời phân bổ cho người dân, đảm bảo không để thiếu thuốc trong quá trình điều trị. Đồng thời, tiếp tục huy động các lực lượng để trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn người dân điều trị khi bò xuất hiện triệu chứng. Tăng cường công tác tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển, giết mổ bò bị bệnh.
Tính đến chiều 12/8/2024, Sở đã tiếp nhận và cấp phát được 36.580 lọ dịch truyền; 5.590 chai vitamin C và Bcomplex; 3.420 chai kháng sinh và 990 gói điện giải; 420 lít Benkocid và 400 bộ đồ bảo hộ để hỗ trợ các địa phương điều trị. Và trong ngày 13/8/2024, tiếp tục cấp phát thêm 4.950 lọ dịch truyền các loại; 3.560 chai vitamin C các loại, 3.018 chai kháng sinh và 120 chai giảm đau. Sở NN&PTNT tiếp tục huy động đảm bảo đầy đủ lượng thuốc điều trị cần thiết để hỗ trợ người dân.