Vẫn biết, việc xây dựng các tuyến đường là để phục vụ Nhân dân, để Nhân dân hưởng lợi, song bên cạnh sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng của đại đa số người dân, vẫn có những trường hợp người dân không nắm được thông tin đầy đủ, dẫn đến làm khó chính quyền.
Làm đường theo hiện trạng
Xóm Mới, làng Vân, thôn Yên Viên (xã Yên Viên) được hình thành từ những năm trước 1990, trước đây là một số ao, thùng, hố. Trong quá trình sinh sống, lấp đất xây nhà, đến nay tổng số hộ dân xóm Mới là trên 18 hộ.
Đầu năm 2020, nhận được thông tin về việc làm đường giao thông ngõ xóm ở xã Yên Viên, người dân xóm Mới vô cùng phấn khởi. Ngoài phần vốn đầu tư từ ngân sách của huyện Gia Lâm, UBND xã Yên Viên đã chỉ đạo các thôn tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động người dân ủng hộ, tham gia đóng góp tiền bạc, ngày công để đảm bảo thực hiện tuyến đường.
Do xóm Mới trước đây là các ao, thùng, hố nên quá trình xây dựng, người dân đã không tuân thủ đúng phần diện tích được cấp, dẫn đến tuyến đường trong xóm có chỗ to, chỗ nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, xã Yên Viên đã chỉ đạo các thôn đến từng nhà có diện tích cần giải tỏa để vận động phá dỡ. Tuy nhiên, việc phá dỡ chỉ thực hiện được đối với những gia đình có công trình tạm; đối với những gia đình có công trình nhà ở kiên cố, UBND xã xác định làm đường theo hiện trạng.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng trên, ngày 23/9/2020, gia đình bà N.T.M. cùng một số hộ dân sinh sống tại xóm Mới đã có “Đơn yêu cầu” gửi Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Chủ tịch UBND xã Yên Viên và các cơ quan báo chí với nội dung: Để ủng hộ việc làm đường, gia đình bà đã tự phá dỡ phần công trình tạm phía ngoài để hiến đất, tuy nhiên một số hộ khác có nhà kiên cố lại không phá dỡ, không giải phóng mặt bằng.
Tiếp đó, bà M. cho rằng, trước khi làm đường, UBND xã Yên Viên không tổ chức họp dân, không công bố bất kỳ tài liệu liên quan đến việc xây dựng tuyến đường như: Phương án, hồ sơ hiện trạng, bản vẽ thi công, nhà thầu thi công... Qua đơn, bà M. đề nghị UBND huyện Gia Lâm xem xét, kiểm tra, yêu cầu lãnh đạo UBND xã Yên Viên thực hiện việc giải phóng mặt bằng dự án làm đường ở xóm Mới theo đúng quy hoạch đã được duyệt.
Đồng sức, đồng lòng
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Văn Kỷ cho biết: Thực hiện quyết định của UBND huyện Gia Lâm ngày 31/10/2019 về việc phê duyệt danh mục dự án, dự toán và kinh phí hỗ trợ đầu tư đường giao thông ngõ xóm, thôn, tổ dân phố trên địa bàn các xã Cổ Bi, Trung Mầu, Phù Đổng, Yên Viên giai đoạn I, UBND xã Yên Viên đã triển khai dự án “Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông ngõ, xóm thôn Kim Quan, thôn Yên Viên và thôn Lã Côi, xã Yên Viên” với tổng chiều dài 1.443m, gồm 27 tuyến đường.
Trong đó, thôn Kim Quan có 12 tuyến với chiều dài 608m; thôn Yên Viên có 8 tuyến với chiều dài 394m; thôn Lã Côi có 7 tuyến với chiều dài 441m. Tổng giá trị dự toán trên 4,5 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND xã Yên Viên. Nguồn vốn do ngân sách huyện hỗ trợ chi phí vật tư theo giá trị quyết toán được duyệt; phần còn lại bao gồm chi phí nhân công và máy móc do ngân sách xã và Nhân dân huy động, ủng hộ, đóng góp.
Theo ông Nguyễn Văn Kỷ, dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông ngõ, xóm tại xã Yên Viên là dự án làm đường theo hiện trạng. Đến thời điểm này, tại tất cả các thôn của xã Yên Viên như Ái Mộ, Lã Côi, Kim Quan, Yên Viên đều đã triển khai xây dựng các tuyến đường. Trong đó, 3 thôn Ái Mộ, Lã Côi, Kim Quan đã thu tiền ủng hộ, đóng góp của Nhân dân theo hình thức tự nguyện, chỉ riêng thôn Yên Viên là chưa thực hiện việc này.
Đối với những vấn đề bà M. nêu trong đơn, UBND xã Yên Viên đã tổ chức các cuộc họp đối thoại ở thôn và ở UBND xã với đầy đủ các thành phần tham gia. Theo đó, việc bà M. cho rằng trước khi triển khai tuyến đường, UBND xã không tổ chức cuộc họp là không đúng, bởi các hộ dân và lãnh đạo thôn, lãnh đạo xã và đại diện các tổ chức, đoàn thể, cơ quan chức năng tại cuộc họp đều khẳng định UBND xã đã họp với lãnh đạo các thôn, tổ dân phố để triển khai dự án; các thôn, tổ dân phố sau đó đã tổ chức họp, phổ biến, tuyên truyền vận động Nhân dân trước khi làm đường.
Những vấn đề phát sinh khi làm đường như cống thoát nước cao hơn mặt đường đã được lãnh đạo xã tiếp thu, chỉ đạo xử lý. Còn đối với yêu cầu của bà M. về việc phải phá dỡ đối với các gia đình có nhà kiên cố để lấy mặt bằng làm đường là điều khó có thể thực hiện, bởi dự án làm đường này là đường ngõ xóm, phụ thuộc vào sự tự nguyện của người dân, không bắt buộc phải cưỡng chế. Ngay cả đối với các gia đình có công trình tạm, lãnh đạo thôn cũng đến tận nhà vận động gia đình tự phá dỡ chứ không phải cưỡng chế.
Sau 2 cuộc họp tại thôn và xã, các hộ dân ký đơn cùng bà M. đã hiểu ra vấn đề, xin được rút đơn và đề nghị UBND xã Yên Viên tiếp tục triển khai thực hiện tuyến đường theo đúng quy định. Riêng gia đình bà M., mặc dù vẫn còn một số điểm chưa hài lòng nhưng cũng đồng ý tiếp tục triển khai tuyến đường như kế hoạch đã đề ra.
“Tháng 8 vừa qua, xã Yên Viên đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020 (đợt 1). Trong giai đoạn 2020 - 2025, xã tiếp tục duy trì và nâng cao tiêu chí xã NTM nâng cao theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính phường theo quy định” - ông Nguyễn Văn Kỷ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Viên |