Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để bảo vệ phụ nữ, trẻ em?

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn cho phụ nữ, trẻ em là vấn đề đang được đặt ra khi môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để tạo môi trường và hành lang pháp lý cho sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và cả sự chủ động của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng.

 An toàn cho phụ nữ và trẻ em là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình, góp phần phát triển bền vững đất nước. Ảnh: Trần Thảo

Gia tăng các vụ việc xâm hại, bạo lực
Những năm gần đây, các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em đang có xu hướng tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2017, các cấp Hội phụ nữ đã tiếp nhận và xử lý 69.364 đơn thư có nội dung liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, chia tài sản khi ly hôn, đất đai... Riêng năm 2018, các cấp Hội đã tiếp nhận và xử lý 5.011 đơn thư có nội dung liên quan đến các vấn đề này. Cấp T.Ư Hội cũng đã tiếp nhận và xử lý 374 đơn thư phản ánh về mâu thuẫn hôn nhân gia đình, đất đai... trong đó, đã gửi 150 văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền và nhận được 52 phản hồi về cách giải quyết.
Theo thống kê, trung bình cứ mỗi ngày cả nước phát hiện 3 trẻ em bị xâm hại tình dục; 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Thời gian qua, với cơ chế thực hiện vừa phát huy nội lực, vừa tham vấn chuyên gia và có sự phối hợp với các cơ quan chức năng đã giúp việc lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em có kết quả cụ thể hơn. Riêng năm 2018, T.Ư Hội phụ nữ Việt Nam đã kịp thời lên tiếng, tham gia giải quyết 19 vụ việc gây bức xúc dư luận.

Hiện nay, nhiều luật bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em đã được ban hành, đi vào cuộc sống như: Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… cùng nhiều văn bản khác của Chính phủ nhằm tạo khung pháp lý vững chắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Mặc dù vậy, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tạo lập không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em vẫn cần nhiều giải pháp, điều chỉnh kịp thời văn bản luật.

Lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Theo TS Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm chung của các bên liên quan. Không gian sống của con người nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng không được an toàn sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, đồng thời là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như sự phát triển bền vững của toàn xã hội. “Để tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em, cần tính việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong gia đình. Phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con, hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội đúng hướng. Đồng thời chú ý xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình từ những điều nhỏ nhất” - TS Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.

Mặt khác, các cấp Hội phụ nữ cần nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát huy nội lực, tự trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách; tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở. Thực hiện việc lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp hướng tới thay đổi các quan niệm, định kiến của xã hội phân biệt đối xử về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới góp phần thực hiện mục tiêu không để phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau.