Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để giữ giá gạo xuất khẩu cao?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù từ đầu năm đến nay giá gạo xuất khẩu vẫn neo ở mức cao, nhưng làm sao để giữ ổn định mức giá này vẫn là bài toán khó đối với các DN lúa gạo Việt Nam khi giá vật tư nông nghiệp, giá cước vận tải đang tiếp tục “leo thang”.

Nhu cầu thế giới tăng

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những ngày đầu tháng 6/2022, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Thị trường xuất khẩu gạo khá ổn định, nhu cầu mua vẫn ở mức cao. Hiện, gạo 5% tấm Việt Nam đã tăng trở lại mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giá chào bán 403 USD/tấn, gạo 100% tấm giá bán 378 USD/tấn và gạo Jasmine 528 - 532 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu tháng 6/2022  tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5/2022. Ảnh minh họa
Giá gạo xuất khẩu tháng 6/2022  tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5/2022. Ảnh minh họa

Giá gạo khởi sắc một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các thị trường tăng trở lại, đặc biệt ở 2 thị trường lớn là châu Á và châu Phi. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài khiến cho nhiều nước quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực. Mặt khác, tác động giá lương thực thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu. Ngoài ra, còn phải kể đến giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 - 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 - 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 - 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 - 590 USD/tấn.

Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (504, 5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Bởi thông thường mọi năm, Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo, nhưng năm nay nước này nhập khẩu sớm nên thị trường sôi động từ tháng 5.

“5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị trường lúa gạo nội địa ổn định, nhu cầu mua của các thương lái, DN khá đều đặn. Đây là những tín hiệu tốt cho thấy thị trường tiếp tục khởi sắc” - ông Đỗ Hà Nam đánh giá.

Ưu tiên sản xuất dòng gạo cao cấp

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, giá gạo xuất khẩu vẫn neo ở mức cao. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như hiện nay, thị trường châu Phi đã chuyển sang mua gạo của Ấn Độ do giá tốt và chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với Việt Nam.

Thu hoạch lúa tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Ánh Ngọc 
Thu hoạch lúa tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Ánh Ngọc 

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Phản ánh của các DN cho thấy, hiện giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 - 10.000 USD cho mỗi container 20 feet, trong khi tình trạng thiếu container rỗng vẫn xảy ra. Điều này khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh.

Đưa ra khuyến nghị đối với DN, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, để xuất khẩu gạo có chỗ đứng vững trên thị trường thế giới, các DN lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất những dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Bên cạnh đó, để tăng giá trị xuất khẩu gạo một cách bền vững, việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, cùng một chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể bán được với giá cao hơn 10 - 20%.

Để hỗ trợ DN xuất khẩu, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức nhiều phiên tư vấn xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN, Bắc Âu, Kuwait... nhằm giải đáp và tư vấn cho DN quan tâm về thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu. Dự kiến trong năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp tổ chức 30 phiên tư vấn xuất khẩu tới các thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, việc xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính là một trong những thách thức hàng đầu đối với DN. Tuy nhiên, một khi đã xuất khẩu thành công sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo Việt Nam.

Mặt khác, việc các DN mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, giá lúa nguyên liệu tăng ổn định giúp người trồng lúa có lợi nhuận nhiều hơn. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động vào cuộc của các địa phương, DN, Bộ Công Thương sẽ tham mưu với Chính phủ có nhiều hơn chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo Việt.

 

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine cũng như giá thành sản xuất nông nghiệp tăng trên toàn cầu, giá bán lương thực có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Vì vậy, các DN xuất khẩu gạo cần nắm xu hướng này khi đàm phán, ký hợp đồng để mang đến lợi nhuận.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam