Vấn đề đáng báo động
BHXH Việt Nam vừa thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2022, số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là 208.943 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đồng nghĩa, trong tương lai, những NLĐ này khi hết tuổi lao động sẽ không có nguồn thu nhập hàng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già; hoặc nếu có thì mức lương hưu rất thấp.
Rút BHXH một lần là câu chuyện xảy ra nhiều năm nay, nhưng đây lại là vấn đề đáng báo động. Nhất là những ngày gần đây, nhiều công nhân ở TP Hồ Chí Minh đến cơ quan BHXH xếp hàng từ 5 giờ sáng để làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến NLĐ phải rút BHXH một lần. Đó là NLĐ sau 10 - 15 - 20 năm làm việc nhưng không có tiền tích lũy do lương thấp, nhất là sau đại dịch thì họ chẳng còn đồng nào. Vì thế, khi ốm đau, bệnh tật hay cần giải quyết việc gấp của gia đình (sửa chữa nhà cửa, trả nợ, cưới con, lo cho con vào đại học…), NLĐ chỉ biết trông vào BHXH một lần; nếu vay tín dụng đen thì lãi suất cao không chịu nổi. Hơn nữa, NLĐ phải chờ 15 – 20 năm mới đến tuổi nghỉ hưu để được lĩnh lương hưu thì lâu quá.
Trao đổi về con số 208.943 người rút BHXH một lần trong quý I/2022, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam Vũ Minh Tiến cho rằng, họ đều thuộc trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động trước đó trên 12 tháng, trong khoảng những tháng đầu năm 2021. Vì thế, số người rút BHXH một lần quý I năm nay không phản ánh tình trạng việc làm quý I năm nay, mà là của quý I năm ngoái.
“Trước đây 3 năm, chúng tôi đi khảo sát, bình quân mỗi năm có 600.000 - 700.000 người rút BHXH một lần. Riêng quý I/2022 có hơn 200.000 người rút BHXH một lần thì cả năm sẽ lên tới 800.000 - 900.000 người, tăng hơn bình quân các năm trước” - ông Vũ Minh Tiến dự đoán.
Tìm những giải pháp
Việc NLĐ nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt nhưng đồng nghĩa với việc họ đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già sức khỏe suy yếu, dễ mắc bệnh. Vì thế, BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ không lựa chọn hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện tiếp tục tham gia theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện cho đủ số năm theo quy định để hưởng lương hưu và thẻ bảo hiểm xã hội (BHYT).
Để NLĐ tiếp tục tham gia BHXH, các chuyên gia cho rằng cần phải có một số giải pháp quan trọng. Thứ nhất là tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc tham gia BHXH để NLĐ nhận thức được cái lợi, cái thiệt khi hưởng BHXH một lần.
“Việc tuyên truyền phải sâu sát xuống tận DN, từng công đoàn cơ sở, kết hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, tổ dân phố tại các khu trọ để thông tin tới công nhân. Thứ nữa, kết hợp giữa báo chí, truyền thông hiện đại với phương pháp truyền thống thông qua người thân, gia đình, đồng nghiệp, chủ nhà trọ…” - ông Vũ Minh Tiến nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Mai Đức Chính đề nghị thay đổi cách tuyên truyền theo hướng mướn người viết tiểu phẩm nói lên được lợi ích của BHXH, cái thiệt khi rút BHXH một lần và thuê nghệ sĩ đóng, quay video đưa xuống DN để Công đoàn tuyên truyền tới công nhân.
Một giải pháp nữa được ông Vũ Minh Tiến đưa ra là cần phải có nguồn quỹ để hỗ trợ, cho NLĐ vay khi họ gặp khó khăn về tiền để không rút BHXH một lần hoặc “cầm cố” sổ BHXH. Ví dụ, tổ chức công đoàn, DN hay tổ chức tài chính nhỏ cho NLĐ tín chấp, thế chấp để được vay khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn, lãi suất hợp lý để giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt.
Thực tiễn nhiều năm công tác tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Chính đề xuất Chính phủ cho các tổ chức tài chính nhỏ vay vài trăm tỷ đồng không lãi; sau đó các tổ chức này cho NLĐ vay lãi suất thấp để làm kinh tế gia đình, chăn nuôi, buôn bán nhỏ… trong lúc họ khó khăn để không rút BHXH một lần. Ngoài ra, rất cần có những gói BHXH linh hoạt hơn về số năm đóng để NLĐ có thêm động lực giữ sổ lại sổ BHXH và khi có điều kiện thì đóng tiếp để đợi đến tuổi hưởng lương hưu, BHYT.
Một giải pháp quan trọng, đó là tăng lương để cải thiện thu nhập và đời sống cho NLĐ, nhất là khi hơn 2 năm qua họ không được điều chỉnh lương tối thiểu; nhiều DN không nâng lương. Cùng với việc tăng lương cho NLĐ là giảm những cú sốc xã hội và có các lưới an sinh đa tầng.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: Hiện tượng rút một lần BHXH phản ánh thị trường lao động chưa hoàn hảo, phát triển thiếu bền vững. NLĐ rút BHXH bắt buộc hoặc thậm chí bán BHXH để có thu nhập trang trải cuộc sống vì không có nguồn nào khác. Do đó, bài toán đặt ra là phát triển thị trường lao động bền vững theo hướng phát triển mạnh việc làm khu vực chính thức, ổn định, với mức thu nhập tốt để NLĐ và gia đình ổn định cuộc sống.
Trong khi thị trường lao động còn phân mảng, việc làm khu vực chính thức chưa bảo đảm cho đại bộ phận lao động xã hội, chính sách BHXH còn bất cập thì cũng cần phải sửa đổi để NLĐ không muốn và khó rút ra để hưởng một lần, cũng như theo quy định của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Bộ LĐTB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam khi khảo sát NLĐ nhận BHXH một lần đều cho thấy, đa số họ có thu nhập quá thấp, khi nghỉ việc không có tiền đảm bảo cuộc sống trước mắt.
Từ nguyên nhân này, chúng ta cần thực hiện tổng thể các giải pháp nhưng căn cơ nhất là nâng cao thu nhập cho NLĐ; bởi lâu nay NLĐ làm việc có thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, nghỉ làm là hết tiền.
Thứ hai là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để nâng cao hiểu biết, nhận thức của NLĐ về các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là BHXH một lần…
Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng
Sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh -Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại DN. Sau hai phiên họp, cũng trong sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.