70 năm giải phóng Thủ đô

Làm gì để tai qua nạn khỏi?

Nhà văn Đỗ Phấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù hệ thống cảnh báo của con người ngày một hoàn thiện nhưng nó cũng chưa bao giờ dự báo được chính xác toàn bộ những thảm họa. Đơn giản vì thảm họa luôn xảy ra trước. Và những bài học mà nó rút ra chỉ được áp dụng cho lần sau.

Có thể coi bệnh dịch Covid-19 được gây ra từ virut Sars-Cov-2 lần này là một thảm họa về sức khỏe. Nó không chỉ cướp đi sinh mạng của gần 4.300 người mà còn làm cho hơn 118.000 người nhiễm bệnh tính đến hôm nay (12/3). Cùng với đó là nền kinh tế của nhiều quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Đó là điều không ai dự báo được dù rằng một bệnh dịch tương tự đã từng có mặt ở Hà Nội từ năm 2003. Đó là dịch Sars do một bệnh nhân Hongkong (Trung Quốc) mang vào.
Cho đến tận bây giờ, tức là 17 năm sau, virus Sars vẫn chưa có vaccine tiêm phòng. Và đương nhiên virus Sars-Cov-2 cũng vậy. Các nhà khoa học vẫn còn phải tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian nữa mới có thể bào chế được những vaccine này. Nhưng bệnh tình tiến triển như vũ bão. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đã lan ra hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Thế nhưng con người không chịu khuất phục bất kỳ một loại bệnh tật nào. Chưa có thuốc chữa không phải là tuyệt vọng. Còn nhiều cách để hạn chế sự lây lan kết hợp với phác đồ điều trị đúng đắn. Nhiều bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn. Việt Nam là một trong những quốc gia đang gây kinh ngạc cho cộng đồng y tế thế giới về cách phòng tránh dịch bệnh của mình. Có thể nói bài học từ dịch Sars năm xưa với 5 bác sĩ, y tá tử vong là không vô ích.
“Bài thuốc” chống dịch Sars-Cov-2 của Việt Nam hết sức đơn giản. Nó không cần đến trang thiết bị quá khó và đắt tiền. Cũng không cần đến những chuyên gia quá giỏi. Tất cả chỉ ưu tiên cho việc tuyên truyền. Làm cho người dân ý thức được hiểm họa và cách phòng tránh. Cho đến giờ này, khi mà số ca lây nhiễm trên toàn quốc đã vài chục người nhưng vẫn chưa có ai thiệt mạng. Và cách phòng tránh vẫn chỉ là rửa tay liên tục và đeo khẩu trang.
Những ngày này, Hà Nội là một điểm nóng lây lan Sars-Cov-2. Ý thức về việc chấp hành các mệnh lệnh hành chính trong việc phòng chống dịch bệnh vẫn được gìn giữ chặt chẽ đến từng quận, từng phường. Thậm chí đến từng cá nhân, đơn vị nhỏ lẻ. Những người có nguy cơ cao chấp hành tốt việc cách ly.
Chính quyền hết sức hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày cho họ. Phần lớn người dân cả ở vùng cách ly và ngoài phố đều hiểu rất rõ một điều rằng, chấp hành mệnh lệnh lúc này là bảo vệ chính mình và người thân của mình. Riêng bài học này Hà Nội đã được rút kinh nghiệm ngay lập tức từ các trung tâm dịch bệnh bùng phát ở châu Âu, Iran.
Ý thức về việc phòng chống lây lan dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc từ các cơ quan lớn như văn phòng một bộ, một viện hàn lâm khoa học cho đến người dân thường ở những con phố nội thành. Chính người dân đã phát hiện ra vài vụ việc có người cách ly tự ý rời khỏi nơi cách li của mình. Và họ đã thông báo cho chính quyền có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Dân thường hết sức hạn chế đi lại, tụ tập. Thậm chí nhiều đám cưới cũng hủy bỏ ngày hôn lễ. Đó chính là kết quả mà TP đạt được cho đến ngày hôm nay.
Nhưng không phải là tất cả 10 triệu dân Hà Nội đều có ý thức như vậy. Đây đó vẫn còn những người coi thường các khuyến cáo của ngành y tế. Một trong những trường hợp như vậy có thể nói đến hai ca bệnh thứ 17 và 21. Họ đã không tuân thủ quy trình kiểm soát y tế khi vừa từ nước ngoài trở về. Họ đã vô tình hoặc cố ý giấu tình trạng sức khỏe của mình. Điều đó đã làm cho số ca nghi nhiễm tăng lên đến con số hàng nghìn.
Và cùng với nó là một khoản chi tiêu không hề nhỏ. Theo thông tin được biết, chỉ một ca bệnh thứ 17, TP đã phải chi khoảng 400 tỷ đồng cho những công việc phòng tránh tiếp theo. Đó là việc cung cấp nơi ăn chỗ ở miễn phí cho những người phải cách ly với số lượng lớn. Đó là việc phải chuẩn bị xây dựng những bệnh viện dã chiến khổng lồ phòng khi dịch bùng phát.
Câu chuyện về ý thức của người dân Thủ đô chưa dừng ở đó. Ngay buổi sáng hôm sau ca bệnh 17 nhập viện điều trị thì cả TP nhộn nhạo hẳn lên. Các siêu thị và chợ búa trong phố bị một làn sóng mua sắm trùm lên áp đảo đến mức các kệ hàng đều trống không. Đây có lẽ là một câu chuyện đáng phàn nàn nhất. Nó không chỉ thể hiện một ý thức kém cỏi mà còn thể hiện sự yếu kém sang vấn đề đạo đức. Hẳn là trong số điên cuồng mua sắm ấy chẳng ai buồn đặt câu hỏi cho chính mình rằng liệu lúc sử dụng những thứ mình mua được như vậy thì có hạnh phúc không khi mà mọi người xung quanh chẳng còn gì để mua?
Tất nhiên là dịch bệnh nào thì cuối cùng cũng phải khép lại. Chỉ mong rằng chúng ta luôn đề cao ý thức chấp hành y lệnh một cách nghiêm ngặt cho đến ngày tai qua nạn khỏi.