| Ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
|
Phóng viên đã trao đổi với ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Liên tiếp các vụ bạo lực học đường diễn ra gần đây khiến xã hội bức xúc và lo ngại về sự an toàn của môi trường giáo dục. Ông đánh giá thế nào về những hiện tượng này, nguyên nhân do đâu?- Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, điển hình là các vụ thầy, cô xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm học sinh; phụ huynh, học sinh xúc phạm danh dự, thân thể thầy, cô giáo. Bên cạnh đó, một hiện tượng nữa rất đáng quan tâm, đó là việc nam sinh lớp 10 tự tử do áp lực học hành. Đây là hiện tượng đáng buồn của nền giáo dục.
Nguyên nhân, trước hết là do mặt trái của nền kinh tế thị trường, tiêu cực của xã hội tác động vào nhà trường ngày càng nhiều. Thứ hai, là do bản thân học sinh, tiếp cận những tiêu cực của xã hội, mang những thói hư tật xấu từ xã hội vào nhà trường. Một nguyên nhân nữa, bản thân những chủ thể trong nhà trường từ thầy, cô giáo, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục đến những đối tượng có liên quan như phụ huynh có những ứng xử không phù hợp với quy chuẩn.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng này có phần xuất phát từ việc ngành giáo dục chưa quan tâm đúng mức việc “dạy người”, theo ông có đúng không?- Nhiều năm qua, các trường sư phạm có xu hướng tuyển sinh ồ ạt cho đủ chỉ tiêu, có trường điểm đầu vào chỉ 9 điểm với 3 môn thi. Khi điểm đầu vào quá thấp, khó đào tạo được giáo viên giỏi. Chương trình đào tạo ngành sư phạm cũng “nặng” về phần dạy kiến thức, nhiều kỹ năng khác chưa quan tâm đúng mực, đặc biệt việc dạy đạo đức ở các cấp học. Gần đây, những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục ngày càng nhiều, gây bức xúc dư luận, chúng ta mới “giật mình” nhìn lại phương pháp, chương trình đào tạo ngành sư phạm.
|
Giờ học của cô và trò trường THPT Mê Linh. Ảnh: Công Hùng |
Song cũng phải nhìn nhận khách quan, hệ thống giáo dục của chúng ta có hàng triệu giáo viên, hàng chục triệu học sinh thì những vụ vừa qua chỉ đếm trên đầu ngón tay, là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, nhân đây, chúng ta có cơ hội nhìn lại, đã đến lúc phải quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống và kĩ năng cho học sinh, sinh viên và giáo sinh sư phạm.
Nguyên nhân đã được chỉ ra, vậy giải pháp nào để vực dậy giá trị truyền thống “tôn sư trọng đạo”, thưa ông?- Nhận diện được những nguyên nhân, sẽ giải quyết từng vấn đề. Trước tiên, cần hạn chế tác động tiêu cực từ xã hội đến nhà trường. Đây là một việc khó nhưng phải kiên nhẫn để thay đổi từ từ. Theo đó, tăng cường tuyên truyền, thông tin, giáo dục cho học sinh, cho thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cả phụ huynh hướng đến những hành vi ứng xử phù hợp. Thứ hai, đối với công tác quản lý, ngành giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo môi trường trường học an toàn, thân thiện. Thứ ba, thay đổi ý thức, kỹ năng của các chủ thể tham gia vào quá trình này. Ngay từ trường học, đội ngũ thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần được chọn lựa tốt hơn, chọn những người có năng lực thực sự, yêu nghề, được đào tạo bài bản về kiến thức và kĩ năng xử lý những tình huống sư phạm. Bên cạnh đó, bản thân phụ huynh cũng phải thấy được trách nhiệm, ý thức của mình đối với thầy cô giáo và làm gương cho con cái mình noi theo.
Vấn đề của giáo dục không phải câu chuyện của riêng nhà trường và từng gia đình mà có sự kết hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Xin cảm ơn ông!Chậm nhưng cần thiết Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông trước năm học mới 2018 - 2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới. Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Tất Thắng cho rằng, đặc điểm chung của việc ban hành văn bản quản lý của nước ta, không chỉ riêng ngành giáo dục, thường chậm và đi sau cuộc sống. Tuy nhiên, theo TS Thắng, việc Bộ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học dù việc làm chậm nhưng cần thiết. |