Làm giàu từ đầm hoang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn làm giàu trên quê hương, anh Trần Quang Tùng - Bí thư Đoàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì đã mạnh dạn thuê 5ha đầm đầu tư mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) để làm giàu cho bản thân và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động của địa phương.

Gắn bó với công tác Đoàn hơn 10 năm, anh Tùng luôn canh cánh khi thấy nhiều thanh niên rời quê, tha hương lập nghiệp, trong khi những vùng quê ở Ba Vì còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác rất cần đến sức trẻ. Với suy nghĩ đó, cuối năm 2014, anh đã mạnh dạn thuê 5ha mặt đầm Đồng Trầu, xã Tiên Phong (Ba Vì) để cải tạo NTTS.
Anh Trần Quang Tùng trao đổi công việc với tác giả.
Anh Trần Quang Tùng trao đổi công việc với tác giả.
Bắt tay vào việc với rất nhiều khó khăn vì đây là khu đầm của gần 70 hộ dân chỉ cấy lúa được một vụ, còn lại 9 tháng trong năm cỏ dại mọc um tùm. Hơn thế, vào mùa mưa lũ, nước sông Tích sẽ cuốn trôi tất cả. Tuy gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, nhưng bù lại anh Tùng được chính quyền xã Tiên Phong, bà con quanh vùng và gia đình luôn giúp đỡ tạo mọi điều kiện để triển khai mở rộng mô hình NTTS. Để có thể thả được cá trên vùng đầm lầy bỏ hoang, anh đã vay thế chấp 200 triệu đồng vốn ngân hàng, cộng với gần 100 triệu đồng từ vụ thu hoạch cá ở khu ao rộng hơn 2.000m2 của gia đình. Với số vốn này, anh thuê nhân công, máy móc cải tạo, vệ sinh đầm, xây đắp đăng chắn điều hòa nguồn nước, lắp đặt hệ thống máy sục khí, đường điện phục vụ sản xuất tại đầm.

Xác định chăn nuôi cần phải nắm vững được kỹ thuật, anh Tùng tìm đọc sách báo, tài liệu tìm hiểu thêm về các quy trình kỹ thuật nuôi đối với từng giống cá nước ngọt. Đồng thời, anh dành thời gian đi tham quan học hỏi một số mô hình NTTS trong huyện và các huyện lân cận để lựa chọn cho mình hình thức nuôi cá phù hợp. Vì khu đầm lầy có mặt nước thấp, trung bình cách đáy chỉ từ 50 - 70cm, nên với diện tích 5ha, anh đã thả 2 tấn cá giống gồm 60% cá rô phi đơn tính, 40% các loại cá chép, nheo, trắm đen và mè. Cùng với việc áp dụng tỷ lệ cám ăn cho cá theo tiêu chuẩn trọng lượng và từng thời kỳ, anh còn tận dụng cỏ, ngọn rau sắn làm thức ăn thêm cho cá. Trong quá trình chăn nuôi, anh luôn vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm học được từ các chuyến tham quan, cùng với việc chăm sóc đúng kỹ thuật nên cá trong đầm luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Đến nay, từ một vùng đầm lầy, gần như bị lãng quên đã trở thành khu NTTS hiệu quả, ước tính tổng sản lượng cho thu hoạch trên 20 tấn cá.

Điều mong muốn nhất của anh Tùng hiện nay là được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng chăn nuôi, nhất là với đối tượng thanh niên mới lập nghiệp. Bên cạnh đó, anh cũng mong sẽ có nhiều mô hình kinh tế được đưa về địa phương để thanh niên có thể học hỏi và tham gia thực hành, làm giàu trên chính quê hương mà không phải ly hương làm thuê kiếm sống. Theo anh, đó là cách mọi người hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thiết thực nhất, đặc biệt là lớp trẻ để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.