Làm mộc thời 4.0

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, người thợ làng nghề mộc Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên đã bớt vất vả mà hiệu quả công việc lại cao hơn.

 Người làng nghề mộc Đại Nghiệp ứng dụng máy móc vào sản xuất.
Làng nghề mộc Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên có truyền thống lâu đời. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại đồ gỗ cao cấp như sập, tủ quần áo, tủ thờ, tranh, bàn, ghế, giường... Với các mặt hàng đa dạng về chủng loại và mẫu mã, sản phẩm gỗ gia dụng của người dân Đại Nghiệp đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Năm 2018 giá trị thu nhập từ sản xuất làng nghề đạt trên 72 tỷ đồng, chiếm trên 80% tổng thu nhập trong làng.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các hộ làm nghề đã tích cực đẩy mạnh đầu tư máy móc, đẩy mạnh tự động hóa trong quá trình sản xuất đồng thời nắm bắt xu hướng mua hàng và tận dụng công nghệ, internet để mở rộng thị trường.
Chủ tịch Hội làng nghề mộc Đại Nghiệp Hoàng Văn Luận cho biết: Hiện nay máy móc đã hỗ trợ đến 70% các công đoạn, hiệu quả công việc cao hơn. Đơn cử, để đục một bức triện, người thợ phải mất cả ngày mới xong nhưng chỉ mất 3 giờ, chiếc máy chạm khắc gỗ công nghệ cao đã cho ra 6 sản phẩm, chuẩn đến từng chi tiết và tinh xảo hơn so với làm thủ công. Mặt khác, nếu làm theo truyền thống, người thợ mộc phải trực tiếp cắt xẻ gỗ, đục đẽo, sơn phết…
Trong quá trình đó có thể xảy ra tai nạn lao động hoặc nhiều thợ lỡ tay làm hỏng thiết kế. Tuy nhiên, khi được tự động hóa, vận hành thông qua lập trình sẵn, các sản phẩm có độ chính xác 100%.
Ngoài hỗ trợ trong sản xuất, công nghệ còn hỗ trợ đắc lực trong việc bán hàng. Công nghiệp 4.0 sẽ giúp khách hàng giám sát tiến độ sản xuất của sản phẩm, cập nhật thông tin, trao đổi với cơ sở khi có nhu cầu chỉnh sửa hoặc thay đổi mẫu mã. Chị Nguyễn Thị Ngần – chủ một xưởng mộc tại làng nghề Đại Nghiệp cho biết, trước kia chị phải đem hàng đi khắp nơi chào hàng nhưng hiện nay chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể kết nối với khách hàng. “Việc chạy quảng cáo bán hàng qua Zalo và Facebook rất hiệu quả, so với trước, lượng hàng bán ra của gia đình tôi đã tăng gấp 5 lần” – chị Ngần tiết lộ.
Tuy nhiên, hiện nay tại địa phương không phải gia đình nào cũng có cơ hội ứng dụng công nghệ 4.0. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư máy móc khá lớn và yêu cầu phải có diện tích đủ lớn để đặt máy. Vì vậy, mong muốn của người làng nghề Đại Nghiệp hiện nay là được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và có khu công nghiệp làng nghề để đầu tư mở rộng sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần