Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm nông thời 4.0

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và sản sinh ra những nhà nông 4.0. Họ đã áp dụng công nghệ tiên tiến, thông minh nhất vào chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Sản xuất rau cải trái vụ trong nhà lưới ở công ty rau, củ, quả Nhật Việt. Ảnh: Phương Nga
Làm việc bằng điện thoại

Ông Hoàng Minh Ngọc ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh hiện đang chăn nuôi 3,5 vạn gà đẻ cùng với một mạng lưới gia công 22 hộ. Trung bình hàng tháng, trại của ông Ngọc xuất ra thị trường 45 vạn gà giống. Điều đặc biệt là cả trang trại rộng 10.000m2 nhưng chỉ có 4 công nhân làm việc, còn ông chủ điều hành, quản lý trang trại qua chiếc điện thoại đã được lập trình sẵn.
Việc ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thành công cần nỗ lực, phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững của “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, DN, Nhà nước).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại

Ông Ngọc cho biết, trong quá trình chăn nuôi, ông nhận thấy có một số hạn chế như cần nhiều công nhân để vận chuyển cám đổ vào máng cho gà ăn, rồi phải thu gom trứng, kiểm tra, đếm trứng… Vì vậy, ông đã nhập dây chuyền chăn nuôi gà đẻ tự động cho trang trại. Ngoài ra, ứng dụng lập trình vào chăn nuôi giúp thức ăn, nước uống dành cho vật nuôi được sử dụng triệt để, tránh gây ô nhiễm và dịch bệnh. “Nhờ đầu tư công nghệ giám sát, điều hành trang trại qua hệ thống internet, tôi đã giảm được 70% nhân công, kịp thời phát hiện những bất thường về dịch bệnh trên đàn gà để xử lý” – ông Ngọc tiết lộ.

Cũng là một nông dân thời 4.0, anh Vũ Đình Thuấn - Giám đốc Công ty CP Rau, củ, quả Nhật Việt ở Trung Nghĩa, Hưng Yên hiện đang canh tác hơn 2ha rau an toàn. Công ty đã ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IOT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ. “Nhờ ứng dụng hệ thống giám sát và điều khiển qua internet, có thể tự động kiểm soát độ ẩm, tưới nước, bón phân giúp tôi chủ động giám sát canh tác từ xa. Ngoài tránh được rủi ro do thiên tai, nâng cao năng suất, ứng dụng công nghệ còn giúp tôi giảm 50% chi phí nhân công” – anh Thuấn chia sẻ.

Tương tự, chị Đặng Thị Cuối, huyện Đan Phượng sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm tân tiến trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi về nước, trên diện tích hơn 3ha, chị đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng 3.000m2 nhà kính trồng rau trái vụ và hệ thống tưới phun tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước. “Trồng rau trái vụ nên giá bán cao và dễ tiêu thụ. Trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình tôi cho thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng” – chị Cuối phấn khởi cho biết.

Ứng dụng có chọn lọc

Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, người dân không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình. Khi làm nông nghiệp công nghệ cao, cần xác định 3 yếu tố là sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ và có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không.

Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của ngành nông nghiệp nước ta chưa được đồng bộ. Do đó, cần dựa vào điều kiện thực tế để ứng dụng có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến. “Phải lựa chọn giải pháp hiệu quả, bước đi linh hoạt để xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với DN theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ” – ông Đại cho hay.