Lạm phát đe dọa các nước mới nổi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới vừa cảnh báo lạm phát đã trở thành hiểm họa lớn nhất đe dọa các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi bất chấp các biện pháp quyết liệt của Chính phủ các nước này.

KTĐT - Các chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới vừa cảnh báo lạm phát đã trở thành hiểm họa lớn nhất đe dọa các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi bất chấp các biện pháp quyết liệt của Chính phủ các nước này.

 

Mặc dù Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan,… đã áp dụng các chính sách tiền tệ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn chế tín dụng, tăng lãi suất cơ bản… nhưng bão giá vẫn tiếp tục hoành hành. Lạm phát của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong tháng 12 với 4,6% nhưng các chuyên gia cho rằng, chỉ số này sẽ leo cao do ảnh hưởng của việc tăng giá lương thực và năng lượng toàn cầu cùng với nhu cầu tăng vọt trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua. Tại Ấn Độ, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn khi ông Leif Eskesen, kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương nước này cho biết: "Áp lực lạm phát đang đến từ mọi phía, đặc biệt giá cả hàng hóa quốc tế khiến cho tình hình càng căng thẳng". Ông Eskesen cũng khẳng định: "Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt tăng lãi suất sắp tới".

 

Bên cạnh hiểm họa lạm phát, các cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập, Tunisia, Yemen,… đẩy giá dầu tăng cao đã dẫn đến làn sóng tháo chạy của các dòng vốn tại Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nền kinh tế đang phát triển khác. Tuần trước, các nhà đầu tư đã rút hơn 7 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi, lần rút vốn lớn nhất trong hơn 3 năm này đã làm dấy lên mối lo ngại trào lưu rót vốn vào các thị trường này sẽ nhanh chóng kết thúc. Nếu như năm ngoái, các quốc gia mới nổi là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư với lượng vốn kỷ lục là 95 tỷ USD. Thì năm nay, giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đã giảm gần 3%, đặc biệt tại Ấn Độ, giá cổ phiếu giảm tới 11% và bị đánh giá là thị trường hoạt động tồi tệ nhất thế giới. Chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, đồng Rupi của Ấn Độ đã mất giá 4% buộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phải tăng lãi suất nhưng vẫn không xoa dịu được sự lo ngại của các nhà đầu tư. Tại Indonesia, nếu như trong năm 2010, các nhà đầu tư đã tranh nhau mua 9,4 tỷ USD trái phiếu Chính phủ thì chỉ trong 20 ngày của tháng 1/2011 đã có tới 1,3 tỷ USD trái phiếu này bị bán tháo.

 

Trước áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa bất ngờ thông báo từ ngày 9/2 sẽ tăng lãi suất tiền gửi và cho vay kỳ hạn 1 năm thêm 0,25%. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm sẽ tăng lên 3% và lãi suất cho vay cùng kỳ hạn tăng lên 6,06%.Ngoài ra, PBOC cũng sẽ tăng 0,35% lãi suất đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 2 năm lên 3,9% và 3 năm lên 4,5%. Lãi suất đối với các khoản cho vay thế chấp cũng như các khoản cho vay khác kỳ hạn hơn 5 năm cũng tăng từ 0,2% lên 6,6%. Đợt tăng lãi suất cơ bản đầu tiên trong năm 2011 này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm hạ nhiệt giá cả hàng hóa và làm chậm tốc độ phát triển quá nóng của nền kinh tế. Đặc biệt, việc Trung Quốc quyết định tham gia làn sóng tăng lãi suất với Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,… ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chứng kiến những đợt tăng lãi suất trong tương lai nếu sức ép lạm phát vẫn chưa giảm bớt. Động thái bất ngờ trên của POBC khiến các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên ngày 9/2 do lo ngại quyết định trên sẽ dẫn đến sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng của các nhà đầu tư.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần