Lạm phát: Nguy cơ cũ, mối lo mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi yếu ớt, nợ công tại châu Âu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thì nỗi lo lạm phát đã quay trở lại trên bàn nghị sự của nhiều nước.

KTĐT - Trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi yếu ớt,nợ công tại châu Âu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thì nỗi lo lạm phát đã quay trở lại trên bàn nghị sự của nhiều nước. Nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng chính là giá hàng hoá thiết yếu như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, kim loại đang tăng.

 

Tại các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát tháng 1 đã ở mức 2,4% so với 2,2% của tháng 12/2010 trong khi chỉ số giá của Anh đã tăng 4% trong tháng 1, mức cao nhất trong hơn hai năm qua và gấp đôi mục tiêu Chính phủ. Tại Mỹ, giá thực phẩm tăng và sự sụt giảm của đồng USD cũng đẩy lạm phát dự báo của năm nay lên trên 5%. Chính phủ Nga cũng vừa triệu tập một phiên họp khẩn cấp nhằm tìm kiếm các giải pháp để kìm chế lạm phát. Sự thất bát trong niên vụ 2009 - 2010 và cơn sốt giá trên thị trường lương thực thế giới năm qua là tác nhân chính làm tăng lạm phát tại Nga. Một số các nhà phân tích kinh tế cho rằng, việc Ngân hàng Trung ương Nga bơm tiền quá nhiều vào thị trường trong năm 2010 cũng gây ảnh hưởng khiến lạm phát tăng. Trong tháng 1, lạm phát tăng 2,4% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010 (1,6%) trong khi lạm phát từ đầu năm đến nay đã tăng 2,7%. Theo dự báo của một số nhà kinh tế của nước này thì lạm phát 6 tháng đầu năm của Nga có thể lên đến 10,5% và 6 tháng cuối năm là 9,5%.

 

Số liệu của cơ quan thống kê Ấn Độ công bố hôm 14/2 cũng cho thấy, lạm phát tháng 1 tuy đã giảm nhẹ từ mức 8,43% trong tháng 12/2010 xuống 8,23% nhưng theo các chuyên gia, chỉ số này vẫn cao và tiếp tục là trở ngại cho nền kinh tế.

 

Tháng 1, lạm phát của Trung Quốc đã tăng 4,9%, mặc dù chỉ số này đã giảm so với mức cao kỷ lục 5,3% hồi tháng 11 nhưng vẫn cao hơn mức tăng 4,6% trong tháng 12,cho thấy các biện pháp của Chính phủ chưa phát huy hết hiệu quả. Hiện quy mô tín dụng tháng 1 lên tới 182 tỷ USD khiến các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng cho vay vẫn tiếp tục là bài toán hóc búa mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tìm cách giải quyết.

 

Tại Nhật Bản, trong khi Chính phủ chưa thể giải quyết được tình trạng giảm phát thì nền kinh tế nước này lại phải đối mặt với một nguy hiểm không ai ngờ tới là lạm phát. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, chỉ số giá hàng hóa của các công ty trong tháng 1 đã có bước nhảy lớn nhất kể từ tháng 5/2008 và tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Chỉ số này tăng lên 1,6% so với 1 năm trước do giá xăng dầu, quặng sắt và giá ngô tăng lên. Ngày 15/2, ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ lãi suất huy động qua đêm trong khoảng từ 0 - 0,1% nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn đi vay để đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời hy vọng chi tiêu cá nhân tăng lên trong thời gian tới.