Lạm phát sẽ giảm, nhưng...

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có vẻ như Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed Jerome Powell và các thành viên khác của cơ quan này bị ám ảnh bởi việc mong muốn làm giảm lạm phát một lần và mãi mãi.

Do vậy, họ quyết liệt tăng lãi suất dù nó làm nền kinh tế Mỹ giảm tăng trưởng. Đó có thể là tin xấu cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và DN toàn cầu nói chung và đặc biệt là Mỹ nói riêng.

Fed vẫn sẽ chưa ngừng lại việc tăng lãi suất?

Hơn nữa, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý rằng, tỷ lệ lạm phát mặc dù vẫn ở mức cao một cách khó chịu nhưng đang giảm và sẽ tiếp tục giảm, nhưng có một hiệu ứng trễ đã được ghi nhận. Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard đã thừa nhận như vậy trong một bài phát biểu hôm 10/10, ông nói rằng “các hành động chính sách cho đến nay sẽ có tác dụng đầy đủ đối với nền kinh tế trong những quý tới”.

Người tìm việc tham quan các gian hàng trong hội chợ việc làm tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas, Mỹ. Ảnh: CNN
Người tìm việc tham quan các gian hàng trong hội chợ việc làm tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas, Mỹ. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, Fed vẫn sẽ chưa ngừng lại việc tăng lãi suất. Các nhà đầu tư đang đánh giá cao khả năng lãi suất tăng 3/4 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo của Fed vào ngày 2/11. Và nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần thứ năm liên tiếp cũng ở mức độ như vậy tại cuộc họp ngày 14/12.

Năm ngoái, Jerome Powell liên tục phát biểu rằng lạm phát chỉ là “nhất thời”, giờ đây dường như ông muốn chuộc lỗi cho nhận định vội vàng đó. Vì vậy, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chứng minh rằng họ đang xem xét lạm phát một cách nghiêm túc, ngay cả khi điều đó dẫn đến sự sụt giảm lớn hơn trong cổ phiếu và đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái.

Không cần phải nói, đó là một vấn đề. Đặc biệt là vì Fed có hai nhiệm vụ: Ổn định giá cả và việc làm. Tuy nhiên, khi Fed chỉ tập trung vào vấn đề lạm phát, thị trường việc làm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Brian Levitt, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Invesco, cho biết: “Mối quan tâm của tôi là Fed đang thắt chặt quá nhanh và quá mức về vấn đề lạm phát mà không biết điều đó có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế”.

Áp lực giá cả cuối cùng cũng giảm bớt

Cuộc khủng hoảng lạm phát hiện tại bắt nguồn từ các vấn đề chuỗi cung ứng trở nên tạm thời hơn gắn với đại dịch; sau đó nền kinh tế toàn cầu mở cửa nhanh chóng khiến nguồn cung không đáp ứng kịp.

Nhưng nền kinh tế hiện đang xuất hiện những rạn nứt. Lợi tức trái phiếu dài hạn đã tăng mạnh, và lãi suất thế chấp tăng cao, khiến thị trường nhà ở hạ nhiệt. Thị trường chứng khoán cũng giảm phát.

Keith Lerner - Giám đốc đầu tư và chiến lược gia thị trường của Truist Advisory Services cho biết: “Chúng tôi thận trọng hơn vì Fed đang có động thái “bóp nghẹt” vào một nền kinh tế vốn đang suy yếu. Những đợt tăng lãi suất siêu lớn này là đợt tăng đột biến nhất trong nhiều thập kỷ”.

Đối với người Mỹ, cơn lạm phát hiện tại này không là gì so với những gì mọi người đã trải qua vào đầu những năm 1980 trước khi Chủ tịch Fed Paul Volcker bóp nghẹt lạm phát bằng một loạt các đợt tăng lãi suất lớn.

Có vẻ như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao so với cùng kỳ năm trước ở mức 9% vào tháng 6/2022. Đó là một sự thay đổi lớn so với mức khoảng 2,3% vào tháng 2/2020. Nhưng con số 9% vẫn còn xa so với mức cao của CPI trong những năm Paul Volcker giữ chức là 14,6% vào đầu năm 1980.

Giá tiêu dùng và giá bán buôn đã giảm xuống, tuy nhiên một số chuyên gia lo ngại rằng lập trường diều hâu tiếp tục của Fed sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho nền kinh tế.

Michael Weisz - Chủ tịch của Yieldstreet, một công ty đầu tư bất động sản cho biết: “Tốc độ Fed tăng lãi suất chắc chắn sẽ gây ra một số hậu quả khôn lường”.

Nền kinh tế và thị trường việc làm bị ảnh hưởng Michael Weisz cho biết việc tăng lãi suất có thể dẫn đến tình trạng “khủng hoảng tín dụng tiêu dùng ngày càng rõ rệt”, trong đó các khoản vay tín chấp có thể trở nên có lãi suất cao hơn và khó tiếp cận hơn.

Việc tăng lãi suất làm tăng các khoản nợ của công ty, khiến họ khó khăn hơn khi trả nợ; làm tăng khả năng phá sản và vỡ nợ đối với các khoản vay thương mại. Nó thậm chí có khả năng dẫn đến lạm phát đình trệ, tức nền kinh tế vừa tăng trưởng chậm lại, vừa vẫn tiếp tục lạm phát. Nói cách khác, giá có thể vẫn cao và thị trường việc làm có thể sẽ tồi tệ hơn.

Chừng nào lạm phát vẫn còn là vấn đề lớn hơn đối với nền kinh tế, Fed vẫn sẽ tập trung nhiều hơn vào việc kiểm soát giá cả.

Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức 3,5%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, nhưng dự báo sẽ bị phá vỡ theo chiều hướng xấu. Số lượng việc làm hiện đã giảm 1,8 triệu người kể từ mức đỉnh tháng 3. Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, đó là mức giảm lớn nhất chưa từng có ngoài giai đoạn suy thoái kinh tế.

Dustin Thackeray - Giám đốc đầu tư của Crewe Advisors cho biết: “Fed đã nói rõ rằng ưu tiên số một của họ lúc này là ổn định giá cả. Fed sẽ duy trì nỗ lực bền bỉ trong việc kiềm chế áp lực lạm phát cho đến khi họ nhìn thấy bằng chứng chắc chắn rằng chính sách tiền tệ của họ đang có tác động đáng kể đến thị trường việc làm”.

"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến", Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF cảnh báo như vậy. Tổ chức này cho biết năm 2023 đối với nhiều nước sẽ như là một cuộc suy thoái về kinh tế. Theo báo cáo của IMF, triển vọng của nền kinh tế toàn cầu là vào đợt yếu thứ ba kể từ năm 2001, chỉ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covd-19 mới đây.

IMF tin rằng lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay, nhưng sẽ "tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn dự kiến ​​trước đây", ngay cả khi các ngân hàng trung ương đang nỗ lực để kiểm soát nó.

Như vậy, có thể thấy Fed, với việc tăng lãi suất và sẽ tiếp tục tăng nữa, kiềm chế được mục tiêu là giảm đà lạm phát nhưng sẽ gây ra những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế toàn cầu nói chung, nền kinh tế Mỹ nói riêng.

 

"Hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tăng trưởng trong năm nay hoặc năm sau, trong khi ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ tiếp tục đình trệ." - Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre Olivier Gourinchas

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần