Vừa qua, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thiếu sức răn đe
Tổ chức thi hành Nghị định, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã tiến hành 534 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân, kiến nghị thu hồi 56 giấy phép phổ biến phim để điều chỉnh chủ sở hữu bản quyền. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP là 12,8 tỷ đồng.
Các vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính chủ yếu tập trung vào hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chiếm khoảng 99,5% tổng số vụ việc bị xử lý.
Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định vẫn còn những tồn tại, bất cập, chủ yếu do mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn thấp; mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi. Những sửa đổi, bổ sung về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và giới hạn quyền sở hữu trí tuệ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 chưa được quy định tại Nghị định.
"Về mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định- Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhìn chung còn ở mức thấp, chỉ xử phạt được từ 15 - 30 triệu đồng" - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ.
Nguyên nhân đến từ việc Nghị định quy định mức phạt tiền mới chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu; chưa có sự phân loại theo đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính răn đe, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên môi trường số.
Trưởng phòng Thanh tra Văn hóa – Gia đình (Bộ VHTT&DL) khẳng định mức xử phạt này là quá thấp, không đủ sức răn đe. Đặc biệt khi so sánh mức xử phạt này với số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm bản quyền còn thấy được tình trạng “một trời, một vực”.
Tăng mức xử phạt
Tại Hội ngị, về phía các địa phương, Phó Chánh Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội Trần Xuân Phúc cho biết, mặc dù lực lượng thanh tra chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị cơ sở tích cực tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn cố tình trì hoãn, né tránh, thậm chí không hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Nguyễn Thị Lưu nêu, những năm gần đây, số vụ việc vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn mà trung tâm phát hiện, ghi nhận lên tới hàng trăm.
Tại điểm a Khoản 1 Điều 13 của Nghị định mức phạt đối với cá nhân là từ 5 – 10 triệu đồng, đối với tổ chức là từ 10 – 20 triệu đồng. Đây là mức phạt quá thấp so với quy mô và doanh thu của các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỷ đến hàng chục tỷ) và cũng nhỏ hơn so với giá trị tiền nhuận bút mà các đơn vị tránh né, không trả cho tác giả, lâu dần sẽ dẫn đến tâm lý và
thói quen coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Vì vậy, cần có mức xử phạt cao hơn và đủ sức răn đe đối với hành vi xâm phạm thì mới có thể tạo được nề nếp, ý thức tuân thủ các quy định về quyền tác giả theo Luật SHTT, ngăn chặn hành vi xâm phạm và tái phạm.
Tại Hội nghị, Thanh tra Bộ VHTT&DL kiến nghị ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP. Trong kiến nghị có các nội dung như: Bổ sung thủ tục xử phạt đối với những hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật hình sự Điều 225 Bộ Luật hình sự.
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc xin lỗi tác giả, người biểu diễn" đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, quyền nhân thân của người biểu diễn; "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng".
Rà soát thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số chức danh thanh tra sẽ có sự thay đổi sau khi Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.