Làm sao để dẹp loạn xe máy vi phạm giao thông?

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vi phạm đi ngược chiều, sai làn, vượt đèn đỏ… của xe máy đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt tại các đô thị đông đúc như Hà Nội. Đã đến lúc cần xem xét sửa luật, cho phép cảnh sát giao thông (CSGT) tạm giữ xe máy đi “ngược chiều”.

Tài xế xe ôm công nghệ nối đuôi nhau vượt đèn đỏ. Ảnh: Ngọc Hải
Tài xế xe ôm công nghệ nối đuôi nhau vượt đèn đỏ. Ảnh: Ngọc Hải

Đường phố rối ren vì xe ngược chiều

Không chỉ giờ cao điểm, bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng thể thấy cảnh hàng trăm chiếc xe máy đi ngược chiều, sai làn, vượt đèn đỏ thành đoàn trên đường phố Hà Nội. Sở GTVT Hà Nội càng cố gắng tổ chức giao thông để điều tiết nhịp lưu thông thì càng phát sinh nhiều điểm “đen” vi phạm của loại hình xe cơ giới có số lượng nhiều nhất của Thủ đô.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện TP có tới hơn 6,4 triệu xe máy, xe đạp điện, chiếm gần 85% lượng phương tiện cơ giới cá nhân, chưa kể hàng vạn xe máy đăng ký ngoại tỉnh đưa về hoạt động thường xuyên tại Thủ đô.

Hành vi ngang nhiên đi ngược chiều, sai làn, vượt đèn đỏ… của hàng triệu chiếc xe máy đã góp phần rất lớn dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng của nhiều tuyến đường phố như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Láng, Giải Phóng, Xuân Thủy… Thậm chí, việc ngang nhiên đi xe máy ngược chiều, vượt đèn đỏ trước mắt CSGT đã trở thành tập quán ngày càng lan rộng, cho thấy sự coi thường pháp luật của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.

Những người điều khiển xe máy vi phạm giao thông cũng có đầy đủ thành phần xã hội như cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, người buôn bán, người lao động… Đặc biệt là nhóm người sử dụng xe máy để vận chuyển hàng hóa, giao hàng phục vụ thương mại điện tử.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ, nhóm có thời gian sử dụng xe máy nhiều nhất trong ngày là xe ôm, xe giao hàng công nghệ. “Họ cũng là những người chịu áp lực thời gian lớn nhất nên lúc nào cũng vội vã, vô tư phạm luật để đi được nhanh hơn, nhiều chuyến hơn. Họ kiếm thêm được thu nhập cho mình nhưng lại gấy rất nhiều hệ lụy cho TP” - ông Vũ Tuấn Linh nói.

Thực vậy, càng ngày những bóng áo xanh, áo vàng giao hàng bằng xe máy trở nên “đáng sợ” với người tham gia giao thông. Họ vừa cắm cúi điện thoại, vừa phóng vun vút trên đường. Nhiều khi bị nhắc nhở vì đi ẩu, họ sẵn sàng quay sang chửi bới, mạt sát người khác rồi bỏ chạy. Đáng nói là không ít trong số xe máy giao hàng mang biển kiểm soát ngoại tỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác rà soát xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc với việc quản lý nhân viên giao hàng bằng xe máy của Grab, Giao hàng tiết kiệm, Baemin, Giao hàng nhanh… Các hãng dịch vụ này dường như đã bỏ ngỏ hoàn toàn vấn đề ý thức tham gia giao thông của nhân viên giao hàng.

Tạm giữ xe là cần thiết

Đại diện Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi đi ngược chiều, sai làn, vượt đèn đỏ… của xe máy gây rất nhiều hệ lụy cho giao thông nhưng hiện mới chỉ bị xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe (GPLX). Cụ thể, lỗi đi ngược chiều của xe máy bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng.

Nếu đi ngược chiều gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng, tước GPLX từ 2 - 4 tháng. Người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc có thể bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng; vượt đèn đỏ phạt từ 800.000 - 1.000.0000 đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Mức phạt này đã rất nặng nhưng vẫn chưa thực sự khiến người điều khiển xe máy biết sợ.

Trên thực tế, việc xử phạt nguội gần như không thể thực hiện đối với người điều khiển xe máy. Vì số lượng xe máy quá lớn, thông tin đăng ký nhiều xe chưa chắc đã đúng chính chủ; nhiều xe đăng ký tại địa phương khác, lỗi vi phạm lại diễn ra hàng loạt nên phạt nguội không đem lại hiệu quả. Với những người đi xe máy ngược chiều, sai làn hiện chỉ có thể tạm giữ phương tiện nếu không có bằng lái và giấy tờ hợp lệ. Không ít người bị xử lý sẵn sàng bỏ luôn bằng lái, đăng ký để khỏi phải nộp phạt, khiến lực lượng chức năng vô cùng bối rối.

Những hành vi coi thường luật giao thông của họ hiện đã gây nên những tác hại rất lớn, khiến tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng, phức tạp. Đáng lo hơn là hành vi coi thường luật pháp khi tham gia giao thông của người đi xe máy đang lây lan diện rộng, trở thành tập quán xấu, kìm hãm văn hoá giao thông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội cũng như các tỉnh, TP khác cần xem xét kỹ vấn đề này, kiến nghị lên Quốc hội sửa đổi luật, cho phép tạm giữ xe máy của người đi ngược chiều, đi vào cao tốc, vượt đèn đỏ… Nếu không nhanh chóng có biện pháp, mạng lưới giao thông Thủ đô và nhiều đô thị lớn khác sẽ bị nhấn chìm trong cơn bão “xe máy ngược chiều”.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT, Bộ Công an cần vào cuộc quyết liệt, chấn chỉnh tình trạng thả nổi ý thức giao thông trong đội ngũ nhân viên giao hàng của Grab, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Baemin…Các hãng dịch vụ này đang kiếm lợi rất lớn từ đời sống đô thị của nhiều TP, họ phải có trách nhiệm với chính “nồi cơm” của mình, không thể phó mặc tất cả cho cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội.

 

Hà Nội và các đô thị lớn cần mạnh tay với xe vi phạm của người điều khiển xe máy, kiến nghị cơ quan ban hành luật xem xét sửa đổi, thêm vào hình thức tạm giữ phương tiện mới khiến người vi phạm chùn bước.

Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh