Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 771/CĐ-TTg, yêu cầu các địa phương về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính (ĐVHC) đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030.
Bất cập nảy sinh
Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ, căn cứ Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, đến năm 2025, cả nước sẽ có 33 huyện và 1.300 xã buộc phải sáp nhập.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, các cơ quan T.Ư, địa phương đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp ĐVHC và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, kịp thời ban hành các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp ĐVHC.
Cụ thể, cả nước thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện, 561 ĐVHC cấp xã và giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã, giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.
Theo đánh giá, việc sắp xếp lại các ĐVHC góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, qua thực tế hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã phát sinh ra nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó nổi lên là vấn đề quản lý, sử dụng đất đai là trụ sở của ĐVHC cũ.
Đơn cử, tại tỉnh Thanh Hóa – địa phương đi đầu cả nước trong việc sắp xếp lại các ĐVHC. Quá trình thực hiện sáp nhập giai đoạn 2019 – 2021, toàn tỉnh đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố của 27 huyện, thị xã và TP. Nhưng theo báo cáo từ Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập là 789 cơ sở, đã được UBND tỉnh phê duyệt chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý. Đáng chú ý, đa phần những tài sản này còn giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều, có thể sửa chữa cải tạo để sử dụng, thậm chí một số địa bàn công trình vẫn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.
Theo Bộ Tài chính, số tiền thu được từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công như nhà, đất thường chiếm khoảng 12 - 14% tổng thu ngân sách hàng năm, tương đương gần 200.000 tỷ đồng. Con số này sẽ còn lớn hơn nữa nếu các cơ quan từ T.Ư tới địa phương có kế hoạch sắp xếp và sử dụng nguồn tài sản này một cách khoa học.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa mà ở hầu hết những địa phương thuộc trường hợp phải sắp xếp lại, ngay cả ở đô thị lớn nhà Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm 2022, UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.700 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của TP; TP Hồ Chí Minh cũng phải xử lý thu hồi 381 địa chỉ nhà đất công sản với tổng diện tích hơn 160 ha do sử dụng không đúng mục đích và bị bỏ hoang.
“Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm, gặp nhiều khó khăn... Sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị rất lớn trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc xã hội hóa, huy động nguồn lực trong xã hội còn hạn chế...” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cho hay.
Cần quyết liệt trong quá trình triển khai
Cũng theo báo báo từ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC, sau khi triển khai sáp nhập câu chuyện dư thừa và lãng phí trụ sở hành chính, tài sản công vẫn đang là bài toán nan giải của các địa phương chưa được giải quyết.
Có những địa phương đành phải để không trụ sở hoặc lại phải bố trí thêm kinh phí thuê trông coi, vì không thể sử dụng cho hoạt động giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên thông, khi trụ sở cũ cách xa địa điểm mới; Còn trụ sở sau sáp nhập, lại không đủ chỗ làm việc, buộc phải đầu tư xây dựng thêm, đây cũng là sự lãng phí đầu tư công.
Bên cạnh đó, có địa phương gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản công là nhà đất dôi dư do không được chia lô, bán nền riêng lẻ mà phải đấu giá cả mặt bằng, khi đó tài sản trên đất cơ bản sẽ phải phá bỏ sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá. Nhà đầu tư vẫn phải trả chi phí cho phần giá trị tài sản công trúng đấu giá mà không được sử dụng.
Sau khi sáp nhập, các địa phương tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số, thuận lợi cho việc hoạch định các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư... Tuy nhiên, công tác sắp xếp cán bộ, dư thừa và cơ sở hạ tầng (là nhà đất công trụ sở của các ĐVHC) cần sớm được khắc phục nhằm bảo đảm lộ trình sắp xếp đúng quy định, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Bởi đây chính là mấu chốt tạo sự ổn định của đơn vị sau sáp nhập.
Nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực
Đặc biệt một số địa phương “ngần ngại” trong thanh lý, bán đấu giá trụ sở do tư tưởng đùn đẩy, né tránh và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... nên vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng. Trong khi, địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Ngoài ra, việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của cơ quan cấp huyện gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với nhu cầu, chi phí cải tạo, sửa chữa cao... Như vậy, câu chuyện làm sao để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất công của các ĐVHC đang là câu chuyện vô cùng nan giải, chỉ quyết tâm thôi dường như là chưa đủ.
“Theo thống kê, nước ta có tới 6.191/11.160 ĐVHC cấp xã (chiếm 55,46%) chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số. Trước khi thực hiện sắp xếp những ĐVHC này đều có quy mô nhỏ, không đồng đều, gây cản trở, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm phân tán, giảm nguồn lực địa phương.
Do vậy, sắp xếp lại ĐVHC là cần thiết nhưng cũng làm nảy sinh rất nhiều tác động, đến nhiều đối tượng, nên để thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập trong những năm tiếp theo đòi hỏi phải có quyết tâm lớn và giải pháp quyết liệt trong quá trình triển khai” - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia về quy hoạch – quản lý đô thị ThS. KTS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc quản lý – sử dụng tài sản nhà đất công của các ĐVHC sau khi sáp nhập cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng luật, để không xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước; nhưng cũng không thể để tình trạng đùn đẩy, né trách trách nhiệm kéo dài.
“Việc sắp xếp, xử lý tài sản sau sáp nhập đã được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn. Đây là cơ sở pháp lý để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện, vì thế nên chúng ta cần phải bỏ tư duy theo kiểu mệnh lệnh hành chính, ngồi bàn giấy đề xuất phương án mà phải bắt tay vào thực hiện, khó đâu, vướng đâu thì xin cơ chế tháo gỡ ở đó. Tôi đề nghị để nhanh chóng giải quyết tồn tại này, Chính phủ cần quy định các chế tài kèm theo lộ trình cụ thể, nếu không thực hiện đúng sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu” – KTS Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị.
Không phủ nhận những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản nhà đất công sau khi sáp nhập ĐVHC. Vì vậy các chuyên gia đều cho rằng, chính quyền địa phương cần phải có trách nhiệm hơn công công tác triển khai thực hiện. Đối với những vướng mắc nảy sinh thì có thể xin cơ chế đặc thù hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm tính đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho ĐVHC sau sắp xếp.