Thật hiếm có một địa phương nào trên địa bàn Hà Nội có một kho báu di sản văn hóa đồ sộ như ở Gia Lâm. Theo báo cáo của Huyện ủy Gia Lâm, huyện Gia Lâm có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, là nơi sinh ra hai trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam là Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) và Chử Đồng Tử. Trên địa bàn huyện còn có các danh nhân nổi tiếng như: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Cao Bá Quát… Toàn huyện có 320 di tích lịch sử văn hóa và cách mạng kháng chiến, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích cấp quốc gia, 86 di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Lễ hội Gióng); 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (nghề gốm Bát Tràng, nghề dát quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ và lễ hội đình Chử Xá); 100 lễ hội truyền thống.
Cùng với hệ thống di tích và lễ hội đặc sắc, Gia Lâm còn có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để khai thác du lịch. Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, Gia Lâm tiếp giáp với 4 quận, huyện của Hà Nội (Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đông Anh) và 5 huyện, thành phố của các tỉnh lân cận (Bắc Ninh và Hưng Yên); là đầu mối giao thông kết nối giữa các tỉnh phía Bắc và Hà Nội với 25km đường sông, 3 tuyến Quốc lộ (QL5A, QL5B; QL1A, QL1B, QL3) và 3 tuyến đường sắt chạy qua…
Toàn huyện hiện có 3 làng nghề được công nhận là “Điểm du lịch” của TP Hà Nội gồm Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá; cùng nhiều làng nghề nổi tiếng khác. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 2 học viện, 4 trường đại học, cao đẳng và các khu đô thị sầm uất, hiện đại, thu hút cư dân đến học tập và định cư rất đông.
Những năm qua, huyện Gia Lâm đã quan tâm và có nhiều chính sách đầu tư phát triển văn hóa, khai thác du lịch trên địa bàn. Hàng năm, huyện đều dành một khoản kinh phí đáng kể cho công tác trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các di tích cũng như quan tâm đầu tư, phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống. Đặc biệt mấy năm gần đây, khi Gia Lâm triển khai kế hoạch xây dựng huyện thành quận; triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công tác đầu tư phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn lại càng được coi trọng.
Huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ hàng chục di tích và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng những sản phẩm mới, tập trung vào phát triển du lịch văn hóa, du lịch xanh. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thông qua việc tổ chức các tuần lễ du lịch tại một số làng nghề như Bát Tràng, Phù Đổng; đầu tư xây dựng ứng dụng và website chuyên đề về du lịch Gia Lâm, khai trương sàn thương mại điện tử; số hóa du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận thông tin, đặt mua dịch vụ. Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy giá trị các di tích, văn hóa ở Gia Lâm dường như vẫn chưa được xứng tầm.
Đến nay, Gia Lâm chưa có tuyến du lịch ổn định, chỉ có một số tour du lịch do tư nhân khai thác ở một số làng nghề như Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá. Các lễ hội, làng nghề đặc sắc, độc đáo nhưng dường như chỉ dừng lại là niềm tự hào của người dân địa phương mà chưa được nhiều du khách biết đến, chưa có sức lan tỏa… Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì làm việc với Huyện ủy Gia Lâm vào ngày 24/3 vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu ví dụ: Cùng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng Lễ hội Gióng ở huyện Sóc Sơn được rất nhiều người biết đến, hàng năm thu hút hàng chục vạn lượt khách đến tham quan, chiêm bái; nhưng Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm lại chưa được nhiều người biết đến, dù đây là một lễ hội truyền thống đặc sắc, quy mô hoành tráng và có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Sở dĩ du lịch Gia Lâm chưa phát triển, chưa khai thác được tiềm năng từ kho báu di sản văn hóa đồ sộ, là do nhiều nguyên nhân. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Gia Lâm hiện đã có 3 điểm du lịch được công nhận là Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá; dự kiến năm 2023 có thêm 2 điểm du lịch nữa được công nhận, song hạ tầng cơ sở và dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác.
Trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 69 cơ sở lưu trú nhưng chủ yếu là nhà nghỉ, chưa có khách sạn được xếp hạng cao. Bên cạnh đó, Gia Lâm chưa có nhiều điểm giới thiệu sản phẩm địa phương để phục vụ khách du lịch, chỉ có một số xã có khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP là Bát Tràng, Dương Xá. Toàn huyện Gia Lâm hiện mới chỉ có 1 trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn đô thị là Vincom Megamall (nằm trong Khu đô thị Gia Lâm); còn lại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ăn uống… chưa được đánh đánh giá, xác định tiêu chuẩn.
Đặc biệt, hạ tầng giao thông ở các khu vực làng nghề, điểm du lịch còn yếu kém. Đường dẫn từ Quốc lộ 1B vào khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (xã Phù Đổng) – nơi có Lễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hiện vẫn chỉ là đường đê nhỏ một chiều; đường từ khu di tích đi ra là đường hầm chui dân sinh một chiều, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên ùn tắc. Tại xã Bát Tràng, hệ thống đường giao thông gần như chưa được quy hoạch đầu tư, nâng cấp, nguyên nhân là đang đợi Quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng tỷ lệ 1/500 của thành phố Hà Nội (hiện đang giao cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện).
Đặc biệt, cảng du lịch Bát Tràng đã được thành phố đầu tư từ nhiều năm nhưng chưa đưa vào vận hành, khai thác, hiện đang giao cho Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông, thuộc Sở Giao thông Vận tải quản lý...
Gia Lâm đang trong quá trình xây dựng huyện trở thành quận, hiện tại huyện đã đạt 28/31 tiêu chí thành lập quận và các xã, thị trấn đã đạt trên 2/3 tiêu chí thành lập phường. Huyện đang tập trung hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng để hoàn thành Đề án thành lập quận và các phường, trình UBND TP trong năm nay. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài sự chủ động sáng tạo của huyện, Gia Lâm cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP; sự phối hợp, giúp đỡ và vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành.
Ngày 24/3 vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng làm trưởng đoàn cùng các Phó Bí thư, lãnh đạo TP Hà Nội và các sở, ban, ngành đã có buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về tình hình công tác và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của huyện. Điều khiến Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các lãnh đạo thành phố trăn trở là, sau khi lên quận, Gia Lâm sẽ phát triển theo hướng nào? Và muốn phát triển theo hướng nào thì cần phải xác định từ thời điểm này.
Với những lợi thế về văn hóa, du lịch, thương mại, dịch vụ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng gợi ý, cần tìm ra giải pháp vừa giữ được văn hóa, văn minh của Gia Lâm, vừa có định hướng khai thác, phát triển. Để phát huy giá trị của kho báu di sản văn hóa đồ sộ với 320 di tích, 100 lễ hội và nhiều làng nghề truyền thống, Gia Lâm cần tìm ra một hướng đi lâu dài, bền vững. “Lên quận nhưng phải giữ được, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, đó mới là sinh kế lâu dài cho người dân” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị, Gia Lâm cần đánh giá các lợi thế lớn nhất của mình để đưa ra định hướng phát triển. Với thế mạnh có Học viện Nông nghiệp Việt Nam – nơi nghiên cứu và cung cấp cây giống cho toàn quốc, nên chăng huyện khai thác phát triển dịch vụ nông nghiệp? Đặc biệt, với thế mạnh về số lượng di tích văn hóa truyền thống, Gia Lâm cần có kế hoạch khai thác hiệu quả. “Phát triển công nghiệp văn hóa không phải kể câu chuyện của mình cho mình nghe, mà phải kể câu chuyện của mình cho người khác nghe” – đó là điều Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định.
08:56 02/04/2023