Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thế nào để phân biệt chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

  1. Câu hỏi:

Làm thế nào để phân biệt được việc chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)? Pháp luật hiện nay có quy định về nội dung này không? – Ông Nguyễn Huy Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội)

BHXH Hà Nội trả lời:

Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tuy nhiên, Luật BHXH và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành đều chưa có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.

Làm thế nào để phân biệt được việc chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội?
Làm thế nào để phân biệt được việc chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Luật BHXH sửa đổi số 41/2024/QH15 đã quy định rõ thế nào là hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH, đồng thời làm rõ chế tài xử lý đối với tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đã đăng ký kể từ sau ngày đóng BHXH chậm nhất (ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng) hoặc kể từ sau ngày đóng BHTN chậm nhất theo quy định về BHTN.

- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định (Người sử dụng lao động có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc).

- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHTN trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BHTN theo quy định (Người sử dụng lao động có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia BHTN cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực).

Trốn đóng BHXH, BHTN: là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHTN cho người lao động:

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc;

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BHTN theo quy định về BHTN mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHTN;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của luật này;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHTN thấp hơn quy định của pháp luật về BHTN;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHTN sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHTN chậm nhất theo quy định về BHTN và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định.