Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thế nào để phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, an toàn?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng đất này đã có những bước chuyển mạnh mẽ, tích cực. Dù vậy, thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững, an toàn cũng ngày một lớn hơn.

8 thách thức cho “vựa” nông sản
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2016 - 2018, nông nghiệp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL. Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.
Diện mạo nông thôn vùng ĐBSCL được khởi sắc, có nhiều đổi mới. Tính đến tháng 6/2019, toàn vùng ĐBSCL có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,6%), gấp hơn 2,7 lần so với thời điểm năm 2015. Bình quân các xã đã đạt 15,43 tiêu chí. Hiện, toàn vùng có 9 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành chương trình xây dựngnông thôn mới. 
 Phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng
Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu chuyển đổi, đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, hệ thống thủy lợi đã giúp đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ Đông Xuân – Hè Thu, phát triển thủy sản và cây trồng cạn. Hình thành hệ thống đê kiểm soát mặn, triều cường, sóng cao. Các hoạt động xử lý cấp bách bờ sông, bờ biển được triển khai tích cực với tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng…
Mặc dù vẫn duy trì và phát huy được các kết quả tốt, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới, ĐBSCL sẽ đối mặt với thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển thượng nguồn. Theo đó, 8 thách thức sẽ tác động tới sự phát triển của ĐBSCL được chỉ ra là: Sụt lún đất; mực nước ngầm suy giảm; xói lở bờ song, bờ biển; ngập do nước biển dâng cao và nước lũ lên nhanh; xâm nhập mặn gia tăng; lũ cực đoan; môi trường nước mặt ô nhiễm; cấu trúc mùa vụ và năng suất thay đổi, dịch bệnh gia tăng do biến đổi khí hậu. 
5 nhóm giải pháp căn cơ 
Trong bối cảnh nhiều thách thức, thực hiện Nghị quyết số 120 và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển vùng ĐBSCL. Cụ thể gồm: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển thủy lợi; Phòng chống thiên tai và xói lở bờ sông, bờ biển; Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng. Bộ cũng đã ban hành và tham gia xây dựng một loạt chính sách phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL…
Theo Bộ NN&PTNT, để thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết số 120 của Chính phủ, thời gian tới, các bộ ngành cũng như các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần tập trung vào 5 định hướng chính, cũng là những giải pháp căn cơ về lâu dài. Đầu tiên là cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tiếp đến là chủ động thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên và thị trường, tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ.
Thứ nữa là ưu tiên đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết 3 khâu: Giống; thức ăn cho thủy sản, chăn nuôi và chế biến nông lâm thủy sản. Tiếp nữa là quy hoạch tích hợp, đa ngành, lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp điều phối liên vùng, liên kết ngành với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn vùng. Và sau cùng là tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực của ĐBSCL theo hướng thị trường, hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế so sánh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.