Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Góp phần quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước đã nỗ lực từng bước khẳng định là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Với chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có sai sót chấn chỉnh kịp thời, có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, hằng năm Kiểm toán Nhà nước cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan chức năng để xem xét thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị theo chức năng và thẩm quyền.
Các nội dung chất vấn nhóm vấn đề lĩnh vực kiểm toán gồm: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước; Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước được Kiểm toán Nhà nước đặc biệt coi trọng. Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ đi đôi với rèn luyện phẩm chất của người Kiểm toán viên Nhà nước. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán để ngăn chặn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tiêu cực.
Xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực
Tại phiên chất vấn, đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn tỉnh Lai Châu) đặt câu hỏi, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước thời gian vừa qua được thực hiện như thế nào?
Theo đại biểu Tao Văn Giót, các vụ án xảy ra trong thời gian qua cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quyết định số 131 (27/10/2023) về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đại biểu Tao Văn Giót đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua được thực hiện như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tao Văn Giót, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, đây là nhiệm vụ được quan tâm. Trong đó, quan tâm giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời rà soát, thể chế hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật mới.
“Riêng năm 2022, đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ tưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra kiểm toán nhà; xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng
Tham gia chất vấn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho hay, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có vai trò, trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc tham gia phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Những năm vừa qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.
Với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết cần phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, mong muốn được cống hiến cho đất nước?
Trả lời chất vấn đại biểu đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, về giải pháp đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, mà không giảm tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, cần làm tốt 3 việc. Cụ thể, phải xây dựng được thiết kế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh, để không dám tham nhũng; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.
Về hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực; đặc biệt là hoàn thiện thể chế để quy định rõ từng nhiệm vụ của từng công chức; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, lượng hóa công tác đánh giá…