Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính đã thu hút các nhà đầu tư chọn TP làm điểm đến, đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam với báo Kinh tế & Đô thị khi nói đến những kết quả đã đạt được trong việc thu hút vốn đầu tư.

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển - Ảnh 1Xin ông cho biết đôi nét về những kết quả đã đạt được trong việc thu hút vốn đầu tư vào Hà Nội từ đầu năm đến nay?

- Năm 2016, Sở KH&ĐT Hà Nội xác định là năm hoạt động thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND TP đã ra quyết định phê duyệt Chương trình hành động 17/Ctr-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2016, đề ra giải pháp thực hiện kế hoạch năm một cách quyết liệt nhất. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, TP đã thu hút được 154.124 tỷ đồng vốn đầu tư của các DN trong nước, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với lĩnh vực kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, Hà Nội đã trở thành điểm sáng của cả nước khi trở thành địa phương dẫn đầu. Cụ thể, Hà Nội thu hút được 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt 78,9% kế hoạch cả năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; Riêng quý I đạt 825,1 triệu USD và gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp mà Hà Nội đã triển khai thời gian qua?

- Để đạt được kết quả đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó có Sở KH&ĐT Hà Nội, thực hiện việc cải cách hành chính.

Sở đã rà soát tất cả mọi quy trình, qua đó xem xét quy trình nào quá rườm rà cần cắt bỏ, quy trình nào cần cải tiến. Sở cũng đã báo cáo với Thành ủy, UBND TP tổ chức gặp gỡ đối thoại với DN trong nước và ngoài nước để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho DN, từ đó tạo lòng tin cho các nhà đầu tư; Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa ra tất cả những lĩnh vực cần kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và DN trong nước.

Mặc dù vươn lên là địa phương dẫn đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Vậy, ông có thể cho biết một số giải pháp mà Hà Nội hướng đến  trong thời gian tới nhằm tạo sức hấp dẫn về môi trường đầu tư?

- Một trong những giải pháp quan trọng mà Hà Nội hướng đến là đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt thực hiện triệt để chỉ đạo mà Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nêu, gồm: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ hiệu quả. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh việc công bố chi tiết các dự án, quy hoạch để DN đầu tư lựa chọn, qua đó thu hút nhà đầu tư chọn Hà Nội làm điểm đến.

Đồng thời, trên cơ sở những quy hoạch này, Sở phối hợp với các bộ, ngành T.Ư tháo gỡ, giải quyết những vấn đề chính sách có tính chất liên thông giữa Hà Nội và T.Ư một cách nhanh chóng cụ thể. Để khởi sắc hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong việc thu hút vốn đầu tư. Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển" là minh chứng cụ thể cho hoạt động này và đây là những giải pháp lâu dài mà Hà Nội tiếp tục thực hiện trong quá trình thu hút vốn đầu tư.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa như thế nào với Hà Nội trong việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước?

- Chính phủ ra Nghị quyết 19/2016 về vấn đề cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và của từng địa phương. Để Nghị quyết đi ngay vào cuộc sống, ngày 30/5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch 101/ KH-UBND về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP Hà Nội năm 2016. Kế hoạch này sẽ tạo hứng khởi cho các DN đẩy mạnh đầu tư vào Hà Nội. Và tôi tin điều đó sẽ diễn ra.

Xin cảm ơn ông!
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:

Hà Nội đang hướng tới phát triển bền vững

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển - Ảnh 2Mô hình Hà Nội đang hướng tới là “nền kinh tế xanh” như một mô hình phát triển xã hội toàn diện, bền vững lâu dài… Cùng với đột phá trong cải cách hành chính, quyết tâm của bộ máy lãnh đạo, những dự án lớn đi theo hạ tầng đồng bộ về điện, viễn thông, đường, trường, trạm sẽ thúc đẩy đời sống dân sinh lên một nấc thang mới, thu hút đầu tư. VCCI sẽ triển khai một chương trình cho Hà Nội đặc biệt trong lĩnh vực, cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư công nghệ cao, điện tử.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hà Nội Hoàng Long Quang:

Chính sách công bằng sẽ hút đầu tư 

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển - Ảnh 3Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2016 - 2020 thì ngoài các giải pháp về văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục…, giải pháp thúc đẩy đầu tư cần được coi là giải pháp cốt yếu vì nó là tiền đề để thực hiện các giải pháp khác. Trong thúc đẩy đầu tư, bên cạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng thì đã đến lúc cần đặc biệt chú trọng thúc đẩy đầu tư trong nước. Bởi đây mới là yếu tố đóng góp chính vào sự tăng trưởng GNP - chỉ tiêu thể hiện sự tăng trưởng kinh tế thực sự của quốc gia.

Dưới góc độ hiệp hội, tôi mạnh dạn kiến nghị TP Hà Nội: Điều chỉnh lại giá thuê đất cho hợp lý đối với từng vùng; Đẩy mạnh công tác GPMB; Giảm tối đa thời gian cho các thủ tục hành chính; Có biện pháp giám sát thích hợp để loại bỏ các chi phí không chính thức cho nhà đầu tư; Nghiên cứu đưa ra những cơ chế đặc thù để khuyến khích đầu tư vào Hà Nội…​

Ông Eric Sidgwich - Trưởng đại diện ADB tại Việt Nam:

Tăng tính minh bạch, cải cách thể chế

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển - Ảnh 4Nợ công đang chạm dần đến ngưỡng, phải có chương trình hiệu quả thu hút sự tham gia của các đối tác tư nhân. Quan điểm của các nhà tài trợ chúng tôi, Hà Nội cần phát huy tăng cường tính minh bạch, phải là đầu tàu trong cải cách thể chế và chính sách.

 

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường:

Giảm thủ tục hành chính sẽ khuyến khích DN đầu tư

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển - Ảnh 5Cần phải xóa bỏ khẩn trương cái suy nghĩ “Hà Nội không vội được đâu”. Là một DN tôi nghĩ rằng, Hà Nội cần phải rất vội. Điều đó sẽ tạo động lực thu hút các nguồn lực mới, nhất là trong hợp tác công – tư, khơi thông được nguồn đầu tư vào Hà Nội của các DN trong và ngoài nước thời gian tới. Một trong những nội dung hết sức quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính đó là rút ngắn thời gian cho DN, người dân khi làm các thủ tục hành chính. Chẳng hạn, với chúng tôi là một DN chuyên đầu tư và phát triển hạ tầng các khu công nghiệp ở Việt Nam, trong đó vinh dự được đầu tư phát triển 3 khu công nghiệp tại Hà Nội với tổng diện tích đất quy hoạch là 550ha. Tuy nhiên, để hoàn thành một bộ hồ sơ thủ tục hành chính thành lập khu công nghiệp mới thường phải mất 18 - 24 tháng, nhưng chúng tôi kỳ vọng với những chính sách kêu gọi thu hút đầu tư, cũng như những cam kết của Hà Nội tại Hội nghị này sẽ giảm còn một nửa thời gian làm thủ tục. Cải thiện mạnh lĩnh vực này sẽ tạo cho việc khởi nghiệp ở Hà Nội có những khởi sắc hơn trong thời gian tới. Nó không chỉ giúp cộng đồng DN Thủ đô lớn mạnh về số lượng, mà còn có nhiều DN chất lượng, làm nền tảng xây dựng cộng đồng DN đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Công ty Nước sạch Sông Đuống:

Chúng tôi cảm nhận được sự hỗ trợ, song hành

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển - Ảnh 6Các DN nhìn thấy sự thay đổi từ bên trong, thay đổi thực sự từ người đứng đầu TP cho đến những người điều hành trực tiếp là các sở, ban, ngành Hà Nội. Đã có sự quyết tâm song hành cùng DN, hỗ trợ tối đa cho DN.

Trong thời gian ngắn, chưa đến một năm, chúng tôi đã nhận được giấy phép đầu tư về lĩnh vực nước sạch. Có thể nói, đây là bước đột phá rất mạnh của Hà Nội trong việc cấp phép đầu tư.

Nước sạch hiện đang là nhu cầu cấp bách của người dân, chúng tôi rất vui mừng khi nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ TP nhưng cũng cảm nhận được áp lực rất lớn, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực thi công hoàn thành trong thời gian nhanh nhất để bà con sớm có nước sạch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội, kinh doanh thì phải có lợi nhuận nhưng chúng tôi luôn cân bằng và đảm bảo quyền lợi cho bà con.

“Đầu xuôi đuôi lọt”, chúng tôi đã có được khởi đầu rất may mắn khi nhận được Giấp phép đầu tư sớm từ UBND TP Hà Nội, mong rằng thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của TP từ thủ tục hành chính, cho đến các quy trình triển khai sau này. DN đã cảm nhận được sự quyết liệt của người đứng đầu TP, đi cùng với các sở, ban, ngành. Mong rằng tinh thần đó sẽ đi đến tận các cơ sở bên dưới, làm sao để mỗi DN đến đây đều thấy được sự cởi mở, thân thiện, minh bạch của TP, cùng dốc sức để Hà Nội phát triển xứng tầm với các TP lớn trong khu vực.

Tổng Giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam Lục Thị Mai Trang:

Phân khúc nhà ở xã hội còn nhiều cơ hội

Làm tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp phát triển - Ảnh 7Tính đến năm 2020, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Hà Nội cần khoảng 100.000 căn hộ. Nhưng với năng lực các dự án hiện có thì đến năm 2020, TP mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 16.000 căn hộ nhà ở xã hội. Điều này cho thấy, phân khúc nhà ở xã hội còn đang bỏ ngỏ, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư có chiến lược dài hạn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản tại một thị trường còn nhiều tiềm năng như Hà Nội.

Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài không nên độc lập đầu tư mà nên hợp tác với nhà đầu tư bản địa có kinh nghiệm và uy tín theo hình thức hợp tác đầu tư, phân chia lĩnh vực theo thế mạnh của mỗi bên để tính tỷ lệ quyền lợi và trách nhiệm. Tỷ lệ tối đa các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án nhà xã hội là 50%.

Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài nên có tầm nhìn dài hạn theo lợi thế quy mô của các bạn, cân nhắc đánh đổi các chi phí và các lợi ích khác để có thể đưa ra mức chí phí ban đầu thấp với giá thành phù hợp, qua đó tạo nền tảng tiếp tục cung ứng trong tương lai với giá thành cao hơn, bước đều song song với mức sống của người dân và sự phát triển kinh tế địa phương.

Chẳng hạn, trong các dự án nhà ở xã hội của BIC Việt Nam, mặc dù thang máy Mitsubishi hiện đang có giá thành cao nhất tại thị trường Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn cấp được vào nhà xã hội. Chúng tôi đã ký hợp tác với Công ty Thang máy Mitsubishi để cung cấp giao thông trục đứng cho các tòa nhà xã hội. Hợp tác đảm bảo dài hạn về các công tác bảo trì, thay thế thang máy trong lương lai, xuyên suốt cả vòng đời sản phẩm căn hộ là 50 năm. Công ty Mitsubishi đã đưa riêng cho chúng tôi một mức chi phí vô cùng hợp lý để góp phần giảm giá thành sản phẩm chung cư. Đấy là ví dụ về tầm nhìn dài hạn.