"Vết đen không thể nào chối bỏ"
Chiến tranh thế giới thứ II là một giai đoạn đen tối trong lịch sử nhân loại khi Phát xít Đức đã sát hại 6 triệu người Do Thái tại châu Âu chỉ vì họ là người Do Thái, cũng như các nhóm thiểu số khác. Chính vì thế, Liên hợp quốc đã chọn ngày 27/1 hằng năm là ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân Holocaust.
Tại buổi tưởng niệm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam Trần Đắc Lợi khẳng định, thảm họa Holocaust là một trong những tội ác chống loài người tồi tệ nhất, đem lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho nhân loại.
Việc hồi tưởng lại những ký ức về thảm họa này càng khiến chúng ta hiểu thêm tầm quan trọng của việc chung sống hòa bình giữa các dân tộc và ngăn chặn những thảm họa tương tự. Là một dân tộc từng trải qua nỗi đau chiến tranh, Việt Nam đồng cảm, chia sẻ sâu sắc nỗi đau của người dân Do Thái trải qua, cũng như trân quý hòa bình, mối quan hệ hữu nghị với các dân tộc trên thế giới, ông Trần Đắc Lợi cho biết.
Chia sẻ tại sự kiện, Đại sứ Đức tại Việt Nam Tiến sĩ Guido Hildner, buổi lễ là chứng minh cho việc tưởng nhớ các nạn nhân, đảm bảo những gì liên quan tới Holocaust không bị lãng quên. "Holocaust không chỉ là phần quan trọng trong lịch sử Do Thái mà còn của nước Đức, là vết đen không thể chối bỏ trong lịch sử," Đại sứ Đức nói.
Đại sứ cũng cho rằng không thể để những nỗi đau như Holocaust tái diễn trong tương lai. "Để làm được điều đó, chúng ta luôn phải cảnh giác cao độ và không được quên những bài học liên quan đến Holocaust: Cầu nguyện, trân trọng và không bao giờ quên".
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer chia sẻ: "Nhiều người Israel ở thế hệ tôi không biết đến ông bà của mình, rất nhiều trong số họ mất trong nạn thảm sát Holocaust". Đại sứ cho rằng, cần tạo liên kết cá nhân giữa thế hệ mới với lịch sử, 6 triệu người đã mất đều có những câu chuyện riêng.
"Đây là việc quan trọng để hướng đến cam kết chung trên toàn cầu để rút ra bài học, nhắc nhở thế hệ tương lai về sự nguy hiểm của hận thù và định kiến để hướng tới xây dựng tình anh em và hữu nghị," ông Mayer nói.
Cô bé 7 tuổi đối diện cái chết trong thảm sát Holocaust
Cũng tại sự kiện trang trọng này, lần đầu tiên một nạn nhân sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust có mặt ở Việt Nam trực tiếp kể câu chuyện của mình. Đó là bà Betty Eppel, nạn nhân Do Thái còn sống sót sau thảm họa Holocaust. "
"Tôi thấy may mắn vì mình sống sót, có gia đình và cuộc sống như hôm nay, cũng như cơ hội để kể lại những câu chuyện này. Rất nhiều những đứa trẻ chạy trốn không được may mắn như tôi," bà Eppel - nhân chứng 88 tuổi chia sẻ câu chuyện sống sót kỳ diệu của mình khi thoát khỏi cái chết như hàng triệu người Do Thái khác.
Bà Betty Eppel sinh ngày 19/4/1935 ở Pháp. Gia đình bà sống ở một ngôi làng nhỏ phía Bắc nước Pháp có tên là Valenciennes cho đến tháng 9/1942. Betty cùng cha, ông Shmuel, và em trai Jacques 5 tuổi đã bí mật vượt biên đến miền Nam nước Pháp. Trong những ngày chạy trốn Đức quốc xã, cô bé 7 tuổi lúc đó đã "2-3 lần đối diện với cái chết" dù là trên sà lan chở than chạy trốn, hay chịu đói trên tàu suốt 3 ngày liền trước khi qua được biên giới Pháp.
Trong thời gian đó, khi mới bảy tuổi, bà đã mất liên lạc với mẹ và em trai. Hơn hai thập kỉ sau, bà mới được biết cả hai đã qua đời ở trại Auschwitz, nhiều khả năng bị sát hại bằng phòng hơi ngạt.
Sau đó, Betty và em trai thứ hai được một gia đình Cơ đốc giáo che chở và nuôi dưỡng ở làng Dullin cho đến khi kết thúc chiến tranh. Betty một mình đến Israel năm 1964 và ở lại Jerusalem. Bà kết hôn tại đây và có 2 con. Bà thường xuyên chia sẻ những bài học trong giai đoạn lịch sử đó và bi kịch của chính mình.
Là một nạn nhân may mắn sống sót khỏi thảm họa diệt chủng Holocaust, người phụ nữ 88 tuổi cho biết: “Ngày hôm nay, tôi tin rằng rất quan trọng để nói về những gì đã xảy ra với chúng tôi, bởi chúng tôi là những nhân chứng cuối cùng. Sau khi chúng tôi rời khỏi thế giới này, ai sẽ có thể kể về những điều chúng ta đã chứng kiến?"
Holocaust là đỉnh điểm của hàng thiên niên kỷ hận thù và phân biệt đối xử nhắm vào người Do Thái - cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa bài Do Thái. Thông điệp của bà Eppel chính là đừng im lặng trước điều đó một lần nữa. Nghĩa vụ truyền đạt và giáo dục thế hệ trẻ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi càng ngày những bằng chứng và nhân chứng sống của lịch sử nữa dần trở nên ít ỏi hơn.