Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lần đầu tiên ghép 5 tạng trong cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/12, Bệnh viện Việt Đức công bố, đơn vị đã thực hiện thành công một loạt các ca phẫu thuật lấy - ghép nhiều tạng chỉ từ một người cho đã chết não.

Các tạng này được lấy từ cùng một người cho chết não là một người đàn ông năm nay 40 tuổi, quê ở Ninh Bình. Bệnh nhân không may chết não do bị phình mạch não vỡ, đã điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai không kết quả. Đáp ứng nguyện vọng tha thiết được hiến tạng ngay từ khi còn trẻ của người bệnh, gia đình ông đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình để đăng ký. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để hiến tạng.
Thực hiện ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC
Từ đây, các bác sĩ đã thực hiện một loạt các ca phẫu thuật ghép tạng chỉ trong một ngày 12/12. Đây cũng là sự việc đánh dấu thành tựu mới trong thực hiện kỹ thuật ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Cụ thể, đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện thành công kỹ thuật ghép 2 phổi từ người cho chết não với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện; lần đầu tiên lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não.
Như vậy, chỉ trong ngày 12/12, lần đầu tiên các bác sĩ ở Việt Nam và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP Hồ Chí Minh.
Anh N.V.Đ. (17 tuổi) là bệnh nhân được nhận 2 phổi. Trước đó, anh mắc bệnh bào ở phổi (Langerhans) giai đoạn cuối, tiên lượng tử vong rất cao trong một vài tháng. Đ. phải truyền hóa chất nhiều đợt nằm trên giường thở oxy liên tục, tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng (chỉ số BMI = 13,3). Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần toàn bộ tổ chức phổi của Đ. đã bị tiêu hủy hết thành các nang - kén khí, không còn hoạt động chức năng. Không chỉ mắc bệnh phổi, Đ. còn mắc các bệnh lý cơ quan khác, như sỏi thận phải, sỏi trong gan, suy chức năng gan do hóa chất. Sau khi điều trị hơn 20 ngày do đợt nhiễm trùng cấp các kén phổi tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Đ. được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để xét ghép phổi.
Sau 10 ngày, tình trạng tạng ghép của Đ. tiến triển thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt. Điều này chứng minh ca ghép 2 phổi đã rất thành công về kỹ thuật. Tuy nhiên, do thể chất của Đ. quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác tình trạng bệnh của Đ. vẫn rất nặng, diễn biến hậu phẫu phức tạp.
Còn 4 tạng ghép khác đều cho kết quả tiến triển thuận lợi. Bệnh nhân ghép tim đã ngồi dậy ăn uống và sinh hoạt tại phòng cách ly. Bệnh nhân ghép gan và bệnh nhân ghép thận sau phẫu thuật cũng ở trong tình trạng ổn định. Bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh đã tỉnh táo, tự thở tốt, ăn uống được.
Với thành tựu này, nền y học Việt Nam đã có thêm tiếng vang bên cạnh các kỷ lục lấy và ghép nhiều tạng như: Ghép nhiều tạng nhất là 5 tạng (26/2/2018); có 2 ca ghép phổi đã được thực hiện tại các bệnh viện quân đội 103 (21/2/2017) và 108 (26/2/2018) với kíp phẫu thuật là các thầy thuốc Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài về ghép phổi. Tính đến ngày 21/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim (+ 6 ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác), 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.