Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lần đầu tiên Liên hợp quốc đạt được đồng thuận về vấn đề Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ nỗ lực của Tổng thư ký nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Lần đầu tiên Liên hợp quốc đạt được đồng thuận về vấn đề Ukraine. Ảnh: RT
Lần đầu tiên Liên hợp quốc đạt được đồng thuận về vấn đề Ukraine. Ảnh: RT

Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) có sự đồng thuận về cuộc xung đột ở Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2, đài RT cho hay.

Theo hãng tin AP, trong nghị quyết, Hội đồng Bảo an LHQ cũng “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine” và “nhắc lại rằng tất cả các quốc gia thành viên phải thực hiện các nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc”.

Mặc dù AP cho biết nội dung của tuyên bố không có các cụm từ “chiến tranh”, “xung đột”, “xâm lược” hoặc “hoạt động quân sự đặc biệt” nhưng thông cáo báo chí của Hội đồng Bảo an đã đề cập một cuộc tấn công vào Ukraine.

Mỹ - quốc gia giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng này, cũng đã đề nghị Tổng thư ký Antonio Guterres tổ chức một cuộc họp ngắn về vấn đề này "trong thời gian thích hợp".

Na Uy và Mexico là hai quốc gia soạn thảo, đề xuất cho tuyên bố này của LHQ.

“Sự ủng hộ của Nga đối với tuyên bố do Mexico và Na Uy soạn thảo chứng tỏ Moscow sẵn sàng thực hiện giải pháp ngoại giao đối với vấn đề Ukraine” – Đại diện thường trực của Mexico tại LHQ Juan Ramón de la Fuente Ramírez nói với Tass.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kiev vào tuần trước. Chuyến thăm của Tổng thư ký Guterres đã mở đường cho các hoạt động chung của LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế trong việc sơ tán hàng trăm dân thường khỏi thành phố cảng Mariupol của Ukraine và nhà máy thép Azovstal.

Nga đã đưa quân vào Ukraine sau khi nước này không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Nga đã công nhận độc lập của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là Donetsk và Lugansk.

Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.