Đề tài nghiên cứu tạo lợn Ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma được Viện Chăn nuôi thực hiện từ tháng 7/2020 |
Được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, từ tháng 7/2020, Viện Chăn nuôi đã tổ chức triển khai Đề tài “Nghiên cứu tạo lợn Ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” thuộc “Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Đề tài có sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu trong chuyên môn hẹp, có nhiều kinh nghiệm, cùng với sự đam mê và tinh thần trách nhiệm cao.
TS Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học đã ngày đêm nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức đểtổ chức nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật với quy trình tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai lợn Ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản.
Bên cạnh đó là quy trình tạo dòng “tế bào nhận” có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi lợn nhân bản; quy trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỷ lệ tạo phôi nang lợn Ỉ nhân bản đạt cao; quy trình cấy chuyển phôi lợn nhân bản.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi đã đầu tư trí tuệ, cập nhật tiến bộ khoa học trên thế giới để tổ chức, nghiên cứu, xây dựng, chuẩn hoá và đưa vào ứng dụng các công nghệ, phương pháp mới. Đơn cử như tạo tế bào trứng nhận không có màng sáng (zona pellucida) trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn rất hạn chế.
Thành tựu mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng trong chọn giống, bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm |
Ưu điểm của phương pháp này dễ thao tác khi cấy chuyển nhân “tế bào cho”, tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn. Mặt khác, việc cấy chuyển phôi lợn 5 - 6 ngày tuổi đã nâng cao tỷ lệ thụ thai từ 24% (ở mức trung bình trên thế giới) lên 61%. Chính vì vậy, ngày 10/03/2021 đã có 4 “lợn Ỉ nhân bản” ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt.
Kết quả đạt được của Đề tài đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế(Tạp chí công nghệ sinh học, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tạp chí Theriogenology). Thành tựu nổi bật này đã mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; Bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm.
Ngoài ra, việc kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng tời, tạo ra những con lợn nhân bản theo ý muốn, phục vụ cho việc cấy ghép nội tạng trong tương lai.