Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Làn sóng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu?

Kinhtedothi - Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ diễn ra nhanh hơn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, trong đó Goldman Sachs tin rằng sẽ không mất nhiều thời gian để đưa khối này vào suy thoái.

Vẫn còn nguy cơ suy thoái kinh tế

Theo nhận định của ông Joe Brusuelas - nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn RSM US, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ thay đổi chính sách thuế quan có thể đã mang lại tin tốt cho giới đầu tư, nhưng điều đó có thể sẽ không ngăn được nguy cơ suy thoái.

“Tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng rơi vào suy thoái, xét đến mức độ của những cú sốc đồng thời mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phải gánh chịu. Quyết định mới nhất của ông Trump chỉ là tạm thời trì hoãn một loạt thuế nhập khẩu sẽ được áp lên các đồng minh thương mại của Mỹ” - ông Brusuelas nói với đài CNN.

Hôm 9/4, Công ty RSM US đã nâng xác suất xảy ra suy thoái từ 20% lên 55%. Ông Brusuelas cho rằng suy thoái có khả năng xảy ra ngay trong quý đầu tiên của năm nay.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo rằng các mức thuế ngày càng cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có tác động tiêu cực ở Mỹ. Ông Brusuelas cho biết: “Như nhiều khách hàng đã trao đổi với tôi, nhiều người trong số họ sẽ để hàng hóa lại tại cảng vì không có đủ nguồn tiền dự trữ để nộp thuế”.

Theo ông Brusuelas, toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến sự xáo trộn do một cú sốc nguồn cung bất lợi gây ra. Đồng thời, ông Brusuelas cũng nhận định các DN không chờ đợi mà đang chủ động tăng giá.

Ngày 9/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giảm thuế đối ứng về mức cơ sở 10% trong vòng 90 ngày cho hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế này để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại. Ảnh: Tass

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 (giờ Mỹ) đã giảm thuế đối ứng về mức cơ sở 10% trong vòng 90 ngày cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế này để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại. Tuy nhiên, sau khi bị Trung Quốc áp thuế quan trả đũa, ông Trump không những không giảm thuế đối ứng cho Trung Quốc mà còn tăng thuế đối với hàng hóa nước này lên 125%.

Fed tiến thoái lưỡng nan

Lịch sử cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường cắt giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái. Giới chuyên gia nhận định rằng cuộc chiến thương mại do chính Tổng thống Trump khởi xướng sẽ khiến Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm mạnh lãi suất nếu muốn duy trì đà tăng trưởng và ổn định thị trường lao động. Chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley tại Ngân hàng ING cảnh báo: “Nếu Fed không chủ động hành động, thị trường tài chính sẽ tự điều chỉnh theo cách rất khó lường. Điều đó có thể tạo ra làn sóng bán tháo tài sản rủi ro và gây ra cú sốc tín dụng cục bộ”.

Tuy nhiên, điều khó khăn với Fed là họ cũng đang phải đối phó với các áp lực nội địa như thị trường lao động thắt chặt và bất ổn tài khóa sau gói cắt giảm thuế năm 2024. Việc nới lỏng quá nhanh có thể khiến Fed mất đi dư địa chính sách trong trường hợp kinh tế rơi vào suy thoái sâu hơn.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hợp đồng tương lai đang định giá khả năng tới 85% rằng Fed sẽ có 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tỷ lệ đặt cược vào đợt hạ lãi suất đầu tiên của năm 2025 diễn ra vào tháng 6 tới đạt mức cao nhất, lên tới 70%. Trước khi Nhà Trắng thông báo về thuế quan đối ứng đầu tháng này, thị trường kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một hoặc 2 lần nới lỏng chính sách trong năm 2025. Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi 4,25 - 4,50% kể từ tháng 12/2024 sau khi thực hiện đợt hạ lãi suất cuối cùng trong chuỗi điều chỉnh nhằm bảo đảm rằng chính sách tiền tệ không quá thắt chặt khi lạm phát đang trên đà hạ nhiệt.

ECB cắt giảm sâu hơn để cứu tăng trưởng?

Tại châu Âu, các thiệt hại từ căng thẳng thương mại đang trực tiếp ảnh hưởng đến trụ cột công nghiệp của khu vực, đặc biệt là nước Đức - nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Olivier Blanchard, cựu nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng mặc dù còn quá sớm để nói mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào, nhưng các nhà hoạch định chính sách có thể quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm nền kinh tế duy trì hoạt động hơn là chống lại tình trạng tăng giá. "Chắc chắn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã tăng đáng kể và cùng với đó là lãi suất thấp… Tôi cho rằng suy thoái sẽ chi phối bất kỳ mối lo ngại nào về lạm phát có thể phát sinh" - ông Blanchard cho biết.

Căng thẳng thương mại với Mỹ làm trầm trọng thêm chuỗi ngày tăng trưởng chậm và lạm phát yếu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Báo cáo mới nhất của ECB cho thấy tăng trưởng GDP của Eurozone trong quý 1/2025 chỉ đạt 0,2%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 0,5%.

Nhà kinh tế trưởng Paul Donovan tại UBS Global Wealth Management cho rằng ECB gần như không còn lựa chọn. “Áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là thương chiến với Mỹ, đang làm lộ rõ những điểm yếu cơ cấu của khu vực Eurozone. ECB buộc phải phản ứng nhanh để tránh một kịch bản suy thoái kép”.

Thị trường đang đặt cược ECB sẽ có 3 đợt hạ lãi suất trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9. Theo dự báo của giới chuyên gia và nhà đầu tư, nhiều khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới và tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 6, vì các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump có thể đẩy nền kinh tế khu vực Eurozone rơi vào suy thoái.

BoE quay trở lại với chính sách “thời Covid”

Ông Martin Weale, cựu thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) thuộc Ngân hàng T.Ư Anh (BoE), thừa nhận chỉ một tuần trước, ông còn tin rằng lạm phát dai dẳng sẽ ngăn cản BoE tiếp tục hạ lãi suất trong kỳ họp tháng tới. Nhưng tình thế đã thay đổi. “Giờ đây, tôi cho rằng BoE sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, bất chấp nguy cơ lạm phát quay trở lại khi các hàng rào thuế quan có hiệu lực” - ông Weale nói. “Chúng ta có thể sẽ thấy BoE hành động giống như trong thời kỳ đại dịch Covid-19: khi nhu cầu suy yếu, chính sách tiền tệ phải được nới lỏng”.

Cùng quan điểm, ông Willem Buiter - cũng là một cựu thành viên MPC - cho rằng đồng bảng Anh mạnh lên và giá dầu giảm sẽ tạo điều kiện cho BoE tiếp tục nới lỏng chính sách. “Kinh tế toàn cầu, trong đó có Anh, sẽ tăng trưởng chậm lại do các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump” - ông Willem Buiter nhận định.

Theo ông Buiter, BoE có thể sẽ tiến hành ít nhất 4 lần nới lỏng chính sách, đưa lãi suất cơ bản về mức 3,5%, thậm chí xuống thấp hơn nếu cuộc chiến thương mại leo thang mạnh mẽ.

Giới chuyên gia cho rằng khả năng cao các ngân hàng T.Ư lớn trên thế giới sẽ bước vào một “giai đoạn đồng thuận nới lỏng chính sách” tương tự giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19 (năm 2020). The Economist cảnh báo rằng “sự trượt dốc đồng bộ của tăng trưởng toàn cầu sẽ đẩy các ngân hàng T.Ư vào thế bị động nếu không hành động đủ sớm”.

Cần miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận

Cần miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Việt Nam, Mỹ nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương

Việt Nam, Mỹ nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương

11 Apr, 10:25 AM

Kinhtedothi - Ngày 10/4/2025 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ