Việc đồng Yên giảm giá đã giúp Nhật Bản thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài. Tuy nhiên, một số du khách được cho thực hiện những hành vi không phù hợp với văn hóa địa phương, phép lịch sự của người dân Nhật Bản.
“Gần đây, nhiều du khách đến Nhật Bản mà không hề tìm hiểu trước về văn hóa” - nhiếp ảnh gia Enrique Medina, người thường xuyên dẫn đoàn khách Tây Ban Nha và Mỹ Latinh, chia sẻ.
Trước đây, du khách đến Nhật thường lên kế hoạch tỉ mỉ, đặc biệt là để ngắm hoa anh đào vào mùa Xuân. Tuy nhiên, xu hướng du lịch hiện nay đã có nhiều thay đổi. Thay vì quan tâm đến các địa điểm văn hóa và ẩm thực truyền thống, ngày càng nhiều người tìm đến Nhật Bản để mua sắm và sử dụng đồ ăn nhanh. Sự giảm giá của đồng Yên đã thúc đẩy lượng lớn du khách đến Nhật Bản.
Do lịch sử đóng cửa lâu dài, nền văn hóa và cách ứng xử của người Nhật có nhiều nét khác biệt so với phương Tây. Vì vậy, hướng dẫn viên du lịch thường phải dành nhiều thời gian để giải thích cho du khách về những điều này. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến thái độ lịch sự và tính trật tự của người Nhật, đặc biệt là khi di chuyển bằng tàu điện ngầm ở Tokyo.
Người Nhật rất coi trọng sự yên tĩnh và trật tự khi sử dụng tàu điện ngầm. Họ thường xếp hàng ngay ngắn và hạn chế nói chuyện điện thoại để đảm bảo lên tàu đúng giờ. Tuy nhiên, do tính tò mò, nhiều du khách thường có những hành động tự nhiên như nói chuyện lớn tiếng hoặc di chuyển nhiều, khiến người dân địa phương cảm thấy khó chịu. Do văn hóa đề cao sự hòa hợp, người Nhật thường chọn cách im lặng và đổi toa tàu.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên trên các tuyến tàu điện ngầm trung tâm khiến các công ty vận tải phải thực hiện nhiều chiến dịch nâng cao ý thức. Điển hình là công ty Toei, với poster hình ảnh ba con khỉ đang la hét gây ồn ào bên trong một toa tàu, trong khi đó các loài động vật khác như cáo, gấu Bắc cực và sóc lại tỏ ra khó chịu.
Thông điệp “Hãy nghĩ đến những người xung quanh” được in rõ ràng bằng cả tiếng Nhật, Anh, Trung và Hàn - những ngôn ngữ chủ yếu của phần lớn du khách. Mục tiêu của chiến dịch này là tạo một môi trường tàu điện ngầm văn minh, lịch sự, đảm bảo sự thoải mái cho mọi hành khách.
Tại các điểm công cộng và khu du lịch nổi tiếng, tình trạng thiếu ý thức của du khách đã trở thành một vấn nạn. Tại phố cổ Gion ở Kyoto, du khách thường xuyên bao vây geisha và maiko (học trò geisha) với những chiếc máy ảnh và điện thoại. Để bảo vệ văn hóa địa phương và sự riêng tư cho geisha, chính quyền Kyoto đã quyết định hạn chế một số lối vào, đồng thời cấm chụp ảnh trái phép và áp dụng hình phạt đối với những người vi phạm.
Trước đó vào tháng 5, để ngăn chặn du khách chụp ảnh núi Phú Sĩ thiếu ý thức, người ta đã căng một tấm bạt lớn ở Fujikawaguchiko, phía Tây Tokyo. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả vì du khách vẫn tìm đến những địa điểm khác để chụp ảnh. Cuối cùng, chính quyền đã quyết định gỡ bỏ tấm bạt sau 3 tháng.
Một báo cáo mới cho thấy năm 2023, Nhật Bản đã đón 25 triệu du khách quốc tế, khoảng 12% so với các nước châu Âu như Pháp và Tây Ban Nha. Dù vậy, Nhật Bản vẫn đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng du khách trong những năm tới.
Ông Teruo Nakanishi, tài xế taxi ở Kyoto, cho rằng du lịch đã giúp kinh tế thành phố sôi động trở lại, đặc biệt là ở những khu vực trung tâm. “Nhiều khách sạn và nhà nghỉ đã mọc lên, ngay cả trên những con phố rất khó lái xe” - ông nói.Ông cũng bày tỏ niềm vui khi các công ty taxi tại Kyoto tuyển dụng những người già đến 64 tuổi, nhờ sự gia tăng của du khách.
Song những tác động tiêu cực từ ngành du lịch khiến thái độ của người Nhật đối với lao động nước ngoài dần dần thay đổi. Điều này là do các khách sạn và nhà hàng cần tuyển dụng nhiều nhân viên nước ngoài để nấu ăn và phục vụ, trong đó có nhiều người đến từ Philippines và Việt Nam.