Làn sóng mở rộng BRICS tiếp theo sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm tại thành phố Kazan của Nga vào tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Maxim Ryzhenkov cho biết.
Phát biểu bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Bộ trưởng Ryzhenkov tuyên bố rằng BRICS sẽ bổ sung ít nhất mười thành viên mới, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng đơn xin gia nhập của Belarus sẽ được chấp thuận.
Ông Ryzhenkov khẳng định với RIA Novosti rằng, "làn sóng mở rộng đầu tiên, như tất cả chúng ta đều mong đợi - những người đã nộp đơn xin như vậy - sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Kazan". Theo ông, Nga đang "lập danh sách các quốc gia sẽ tham gia làn sóng mở rộng đầu tiên".
Với tư cách là nước hiện đang giữ chức chủ tịch BRICS, Nga sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm tại Kazan từ ngày 22 đến 24 tháng 10. Đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Belarus Sergey Lukashevich cho biết nước này nằm trong nhóm ứng cử viên BRICS đầu tiên, cùng với Algeria, Bangladesh, Bahrain, Bolivia, Venezuela, Cuba, Honduras, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait, Morocco, Nigeria, Palestine, Senegal, Thailand...
Một số quốc gia khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Zimbabwe và Burkina Faso, cũng đã chia sẻ ý định tham gia. Được thành lập vào năm 2006 bởi Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, tổ chức này đã chấp nhận Nam Phi làm thành viên vào năm 2011. Đầu năm nay, tổ chức này đã mở rộng để chào đón bốn quốc gia thành viên mới - Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE.
Trong bài phát biểu bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov lưu ý đến vai trò ngày càng tăng của BRICS và các định dạng đa phương khác.
Theo đó, ông Lavrov cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng ngày càng nhiều tiền tệ quốc gia trong hoạt động thương mại của Nga với các quốc gia thành viên BRICS, hiện đã đạt khoảng 65%. Hơn nữa, trong hoạt động thương mại với các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), con số này đã vượt quá 90%.
Quan chức này cũng khẳng định, rằng các thành viên BRICS đang nỗ lực phát triển một nền tảng thống nhất để thanh toán bằng tiền tệ quốc gia kỹ thuật số.
Bên cạnh BRICS, SCO và EAEU, Bộ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý đến tầm quan trọng ngày càng tăng của các khuôn khổ đa phương khác, bao gồm ASEAN, Liên minh Châu Phi và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), chỉ ra sự "trỗi dậy" nhanh chóng của Châu Phi và các khu vực khác của Nam và Đông toàn cầu.
Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc là sự kiện thường niên, nơi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp để thảo luận về các vấn đề toàn cầu, bao gồm các cuộc họp đa phương trong khuôn khổ BRICS và G20.
Cho đến nay, ít nhất 34 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia khối này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tại một cuộc họp cấp cao của BRICS vào đầu tháng 9.
Tuần trước, ông Putin cho biết các quốc gia thành viên BRICS cũng đang cùng nhau phát triển một khuôn khổ thanh toán và giải quyết cho hoạt động giao dịch nội khối. Điều này sẽ cho phép các thành viên “tạo điều kiện để phục vụ hiệu quả và độc lập cho mọi hoạt động thương mại nước ngoài”, ông chủ Điện Kremlin nói thêm.
Julie Kozack, phát ngôn viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hồi tháng 9 khẳng định, BRICS nên được “khuyến khích” để phát triển, điều này có thể mang lại lợi ích trên toàn cầu.
Các quốc gia thành viên BRICS hiện chiếm khoảng 46% dân số thế giới. Nền kinh tế của các quốc gia thành viên chiếm hơn 36% GDP toàn cầu, cũng như hơn một phần ba GDP thế giới dựa trên sức mua tương đương, theo ước tính của các tổ chức tài chính toàn cầu. Mặc dù tiếp tục mở rộng vào tháng 12/2023, với sáu thành viên mới tham gia, khối này đã chọn giữ nguyên tên ban đầu.