Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa hợp tác và phát triển

Trâm Anh - Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối thành công của Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư & phát triển”, Hội nghị lần thứ hai - năm 2017 được tổ chức như một sự khẳng định Hà Nội đã, đang và sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, với điều kiện thực tiễn của Thủ đô.

Đưa cam kết vào thực tế

Tại Hội nghị năm 2016, các nhà đầu tư (NĐT) cam kết hợp tác 26 nội dung thuộc 10 chương trình trong các lĩnh vực: Viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại… với Hà Nội. Đến nay, các nội dung cam kết đã và đang được triển khai. Nhiều chương trình đã hoàn thành một phần theo kế hoạch hoặc đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả như: Chương trình trồng 10.000 cây xanh dọc Đại lộ Thăng Long; xây dựng Trung tâm Kỹ thuật cao Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Chương trình VSMT và chỉnh trang đô thị…
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng các lãnh đạo Hà Nội tại lễ tiếp nhận 12 xe quét, hút bụi chuyên dùng do Tập đoàn Tân Hoàng Minh trao tặng. Ảnh: Nguyễn Khánh
Qua thống kê, năm 2016, từ sự hỗ trợ của các NĐT, TP trồng mới được hơn 220.000 cây xanh, 190 cây hoa anh đào trồng thử nghiệm tại Công viên Hòa Bình do Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam hỗ trợ. Cũng trong thời gian này, 2 trạm quan trắc tự động chất lượng nước được lắp đặt tại hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây và 3 trạm dự kiến tiếp tục được lắp đặt ở các sông Tô Lịch, Nhuệ, Cầu Bây. Những trạm này được kết nối tự động với Trung tâm điều khiển thực hiện công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Diễn hỗ trợ góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước và người dân kịp thời giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. 12 xe VSMT chuyên dụng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hoàng Minh hỗ trợ đang vận hành ổn định, hiệu quả trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Từ tháng 12/2016 - 3/2017, với 3 xe kiểm nghiệm nhanh ATVSTP do Tập đoàn Vingroup hỗ trợ, TP đã kiểm tra 25 lượt, xử lý được 12 trường hợp không đảm bảo các chỉ số ATVSTP theo quy định. Các DN đã phối hợp với TP triển khai xây dựng công trình hạ ngầm dây viễn thông và điện lực tại 18 tuyến phố, tổng chiều dài trên 27,5km, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại…

Kinh tế 6 tháng đầu năm của Hà Nội tiếp tục tăng trưởng cao, vốn đăng ký ngoài ngân sách Nhà nước ước đạt trên 190.000 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016. Cũng trong 6 tháng, số DN thành lập mới tại Hà Nội là trên 13.000 DN (tăng 16%) với tổng số vốn đăng ký trên 101.000 tỷ đồng.

Các hoạt động hỗ trợ không những phát huy hiệu quả thiết thực mà còn khuyến khích các đơn vị khác cùng tham gia thực hiện. Điển hình như Chương trình “Cây xanh”, ngoài các đơn vị ký Biên bản ghi nhớ hỗ trợ tại Hội nghị ngày 4/6/2017, TP cũng đã tiếp nhận thêm 400 cây xoài từ Tập đoàn Vingroup, 2.578 cây long não và 1.181 cây chà là Ấn Độ từ VP Bank, Chương trình hỗ trợ Trung tâm Kỹ thuật cao thuộc Bệnh viện Xanh Pôn nhận được hỗ trợ của LienVietPostBank (145 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (130 tỷ đồng), Eurowindow (20 tỷ đồng), Công ty TNHH Thành An Hà Nội (10 tỷ đồng). Trung tâm đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2017, tạo điều kiện để người dân Thủ đô sớm được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế công nghệ cao.

Nhiều DN đã tích cực tham gia ủng hộ các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa các công trình công ích như Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, VietinBank, Công ty CP Him Lam… Thời gian qua, nhiều dự án công viên lớn, hiện đại đã được khởi công như công viên, hồ điều hòa tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy); Công viên Kim Quy (Đông Anh)…

Hút đầu tư bằng chính sách

Những kết quả thu hút đầu tư mà Hà Nội có được là hội tụ những điều kiện và nỗ lực của TP không chỉ trong việc cải thiện hạ tầng kỹ thuật mà còn do môi trường đầu tư từng bước được cải thiện, thông thoáng, minh bạch hơn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, TP coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính “phục vụ”. TP phấn đấu là địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, đến năm 2020 lọt vào tốp 10 địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước. Đặc biệt, để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn bên ngoài, Hà Nội đã thực hiện đổi mới toàn diện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian trả kết quả cũng như số lần người dân và DN đi lại.

Mới đây nhất, ngày 17/5, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017, lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để các NĐT, DN, các thành phần kinh tế có điều kiện đầu tư đối với những dự án cụ thể của Thủ đô. TP sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, khẳng định rằng, đầu tư của DN trong và ngoài nước sẽ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Hàng loạt dự án chuẩn bị kêu gọi đầu tư

Trong giai đoạn 2016 - 2021, TP Hà Nội đặt mục tiêu: Tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9%; GRDP bình quân/người 6.700 - 6.800 USD; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng 13 - 14%/năm); Năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6,5%/năm; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo 70 - 75%; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%... Hà Nội cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 cần huy động khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội, trong đó vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được sử dụng nước sạch đủ tiêu chuẩn. “Trong quy hoạch, TP đã chỉ đạo để sử dụng nước mặt sông Đà, sông Đuống, sông Hồng, giảm công suất và tiến tới chấm dứt sử dụng khai thác nước ngầm. Phấn đấu năm 2020 có khoảng 1,7 triệu m3 nước/ngày, đêm. Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn đến cảnh quan, môi trường trong bối cảnh những tác động đối với đô thị Hà Nội. “Đây là nhiệm vụ rất lớn đối với Hà Nội trong giai đoạn tới, chưa kể những yêu cầu mới về kiến trúc cảnh quan, môi trường, hạ tầng... nếu muốn tiếp tục xếp hạng đô thị đặc biệt” - lãnh đạo TP chia sẻ.

Triển khai chủ trương kêu gọi đầu tư, Hà Nội từng bước công khai các dự án mời gọi NĐT trong và ngoài nước tham gia. Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư & phát triển”, khi công bố danh mục 95 dự án với tổng mức đầu tư hơn 710.000 tỷ đồng, nhiều DN lớn đã tìm hiểu, mong muốn được đầu tư tại Thủ đô.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác đầu tư & phát triển”, TP sẽ tiếp tục giới thiệu các mục tiêu trọng tâm của TP và danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2017 – 2020; tham vấn kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp phát triển Hà Nội theo hướng đô thị văn minh, hội nhập và phát triển bền vững; ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội, NĐT và DN về đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, thực hiện các chương trình an sinh xã hội… Đây sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các NĐT trong và ngoài nước.