Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng Cự Đà - làng cổ, nghề xưa, mai còn không?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau làng cổ Đường Lâm thì làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) là một trong số hiếm hoi các làng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ còn giữ lại được nhiều ngôi nhà và các công trình văn hóa cổ và nghề truyền thống.

Tuy nhiên, những di sản quý giá này đang đứng trước nguy cơ mất khi các khu đô thị đang len lỏi vào nếp nghĩ, nếp làm của người dân Cự Đà. Nếu không được quan tâm đúng mức thì làng cổ - nghề xưa ở Cự Đà khó có thể được giữ gìn. Làng đang rất cần sự quan tâm, góp sức của cơ quan quản lý và các chuyên gia hiến kế để bảo tồn cho con cháu mai sau.
Bài 1: Nơi cất giữ dấu tích ngàn xưa
Từ ngàn xưa, những hình ảnh thơ mộng về làng quê Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình đã in đậm trong tâm trí mỗi người và đi vào thơ văn như một biểu tượng của dòng chảy thời gian. Dẫu vậy, sự phát triển của xã hội hiện đại đã khiến những hình ảnh đẹp ấy hầu như chỉ hiện diện trên những trang văn, áng thơ. Nhưng ít ai biết rằng, cách trung tâm Thủ đô không xa, làng Cự Đà vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn nét cổ kính của làng quê Việt Nam, từ phong cách kiến trúc đến nếp sinh hoạt.
 Làng Cự Đà. Ảnh: Công Hùng
Nét đẹp xưa cũ
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, Cự Đà được biết đến là ngôi làng cổ ven sông, chứa đựng những nét văn hóa, kiến trúc độc đáo. Trải dài hơn 800m dọc dòng sông Nhuệ, các công trình quan trọng của làng như đình, chùa, trụ sở hương thôn đều hướng ra bờ sông. Trước kia, ở cuối thế kỷ XIX, Cự Đà có vị trí giao thương thuận lợi, thuyền bè qua lại tấp nập. Dần dần, Cự Đà trở thành nơi buôn bán lớn, người dân trong làng có nghề ổn định; bắt đầu xây dựng Cự Đà, tạo ra những nét kiến trúc kết hợp độc đáo vẫn còn giữ đến ngày nay.

Đến Cự Đà vào một sáng đầu Xuân, tiết trời se lạnh, khung cảnh cổ kính của làng quê hiện lên trầm mặc, dấu tích thời gian như được hằn lên rõ hơn qua những dấu ấn thời gian chồng xếp lên nhau. Hiện lên rõ nhất của nét cổ kính nơi đây là những ngôi nhà 3 gian, 5 gian thuần Việt và một số nhà 2 tầng mang phong cách kiến trúc Pháp được xây dựng cách đây hàng trăm năm hòa lẫn trong không gian bình yên, vẻ đẹp bình dị, mộc mạc; với những cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng. Tất cả những ai đặt chân đến nơi đây đều cảm thấy đi ngược thời gian và trở về quá khứ.

Cùng đi với người dân Cự Đà khắp các ngõ cổ của làng, chúng tôi nhận thấy rằng làng cổ được quy hoạch ngăn nắp, trật tự, đường làng chạy dọc theo bờ sông; bên trái là những cây râm mát và bến nước, bên phải là nhà cửa. Từ con đường làng lớn tỏa ra những con ngõ nhỏ được lát gạch nghiêng dẫn vào các xóm. Đầu ngõ có cổng thì cuối ngõ cũng có cổng để dẫn ra cánh đồng và các ngõ giống hệt nhau. Hai bên ngõ là hai dãy nhà quay lưng vào nhau thẳng tắp. Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá. Từ đường lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ và dẫn vào 12 xóm. Đặc biệt, Cự Đà còn lưu giữ được những con ngõ có cổng riêng theo kiến trúc cổ. Dọc 12 xóm của thôn đều có cổng vòm, mái cong. 2 bên đầu có cặp câu đối chữ Hán. Cự Đà có 3 cổng cái, cũng là 3 cổng chính và các cổng ngõ phụ dẫn ra cánh đồng và vào các ngõ nhỏ. Chính những cổng làng này đã tạo nên vẻ đẹp riêng, cổ kính, trầm mặc của Cự Đà.

Dấu tích thời gian

Dấu ấn đậm nét nhất của làng cổ Cự Đà đến tận bây giờ làng những ngôi nhà cổ đậm bản sắc văn hóa của nền văn minh lúa nước. Các ngôi nhà này chứa đầy kiến thức văn hóa dân gian như: Loại 3 gian theo lối nội tự, ngoại khách hoặc 3 gian 2 dĩ, 5 gian 2 dĩ theo lối tiền kẻ, hậu bảy, bát trụ.

Nằm trên con ngõ gạch nhỏ hình xương cá, một ngôi nhà 5 gian hiện ra, khiêm nhường, tĩnh lặng. Ngôi nhà ấy hầu như còn nguyên vẹn, chỉ có 2 đầu chái được tu sửa lại đôi chút do thời gian tàn phá. Những bức tường gạch, mái ngói cổ, nếp sân cũ, các chi tiết trên cột nhà, câu đối, bài vị vẫn hằn rõ dẫu tích cổ xưa. Đó là ngôi nhà của ông Trịnh Thế Sửng, được bảo tồn qua 5 đời. Mở chiếc cửa gỗ hàng trăm năm, tiếng kẽo kẹt của bản lề cũ kỹ mở ra không gian của một nếp nhà cổ kính. Rót ly nước trà đón khách, ông Sủng kể: “Nhà tôi xây từ 1874, trải qua 5 đời. Cột bằng gỗ xoan, cửa bức bàn từ thời đó nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình chưa có điều kiện sửa. Và, tôi thích để thế này để có màu thời gian”. Được biết, nhà ông Sửng đang ở còn được gọi là nhà Đại Khoa, được xây dựng bằng gỗ xoan theo kiểu kiến trúc bức bàn gồm: 7 tiền, 7 hậu và được kết cấu theo kiểu nhà trên - nhà dưới... Mỗi bức vách gỗ đều được chạm trổ rất cầu kỳ và tinh xảo. Nối các sân nhà là mảnh sân lát gạch Bát Tràng. Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà cũng đã có một vài đổi thay theo nhu cầu của người sử dụng.

Cũng giống như bao ngôi làng ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Cự Đà vẫn còn đó những ngôi nhà 3 gian, 5 gian với nguyên liệu gỗ quý, kết hợp với lớp rêu phong gợi nét đặc trưng của ngôi nhà ở làng quê Việt Nam. Bước qua chiếc sân nhỏ, rợp bóng mát của cây xanh, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Đình Đán. Với kiến trúc 5 gian, ngôi nhà gỗ cổ của ông Đán có nhiều hoa văn, kiến trúc cổ, chạm khắc cầu kỳ, vẫn được giữ gần như nguyên vẹn theo kiến trúc độc đáo thời kỳ phát triển nhất cuối XIX đầu XX. Chỉ tiếc rằng những khung cửa, bức bàn cổ là không giữ được nguyên vẹn.

Ngoài kho tàng về nhà cổ, Cự Đà còn có đình, chùa, miếu. Các công trình kiến trúc cổ này đều đã được xếp hàng di tích quốc gia. Đơn cử như Linh Minh Tự - ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2000. Đến nay, chùa vẫn còn lưu giữ được cột đá, cây hương, trên đó ghi rõ năm trùng tu chùa là 1695. Chùa nằm trong khuôn viên ngay đầu làng, được xây theo kiến trúc mái cong, điển hình, đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có những giá trị văn hóa vẫn luôn được lưu giữ, bồi đắp qua thời gian như một mạch ngầm xuyên suốt, bền bỉ. Những con người của dòng học Đinh, Trịnh, Vũ… tại Cự Đà và nhiều thế hệ sinh sống tại quê hương hay đi làm ăn, lập nghiệp nơi xa vẫn luôn tự hào và đau đáu trăn trở một điều, làm sao để gìn giữ, phát huy mãi những tinh hoa, báu vật cha ông họ để lại.

(còn nữa)

"Sau làng cổ Đường Lâm, Cự Đà là một trong những làng Việt cổ điển hình ở đồng bằng Bắc Bộ. Cái đẹp của làng là nép vào dòng sông Nhuệ quanh quanh, trước đây khi sông chưa bị ô nhiễm thì vẫn còn thấy con trẻ bơi lội tung tăng, còn đò ngang đò dọc. Cảnh trên bến dưới thuyền một thời vẫn còn lưu dấu ấn ở các bậc thềm gạch của mỗi xóm vươn ra mép nước. Nhưng cái cổ kính của làng thì chính lại là các di tích. Đường cái làng là trục giao thông men theo bờ sông, mỗi ngõ đâm ngang lại có một cổng ngõ cũng theo mô hình cổng làng cổ kính.

Nhà cổ vẫn còn nhiều, nếu như căn cứ vào niên đại còn được khắc trên câu đầu một số nhà khung gỗ thì số nhà có tuổi từ 100 năm trở lên cũng còn hơn ba chục. Trong lúc nhiều làng không còn bói đâu ra nhà cổ thì ở làng này vẫn còn cả một "kho". Người làng Cự Đà cũng bắt đầu ý thức được cái giá trị của nhà cổ từ khi thấy có các nhà khoa học Nhật Bản đến đo vẽ và láng máng hiểu được giá trị kinh tế và văn hóa cổ khi mà nơi đây được nâng cấp nay mai thành một điểm du lịch trọng điểm." - PGS TS. Trịnh Sinh


"Theo truyền thuyết và ông cha kể lại, làng cổ Cự Đà hình thành cách đây khoảng gần 1.000 năm. Lúc bấy giờ ở đây gọi là làng Ngô Khê vì dải đất này trước mặt có sông Nhuệ nhưng ngày xưa chỉ là một khe nước. Khe nước chảy qua đây có nhiều cây ngô nên người ta gọi khu vực này là Ngô Khê và người dân ở đây cũng mang danh đó. Cũng có truyền thuyết kể rằng, có thầy địa lý xem mô đất này giống hình con rồng, do kiêng chữ rồng nên lấy tên là Cự Đà - một loài linh thiên cùng họ với rồng. Họ gọi lái đi để không phạm thượng. Từ đó đến nay khoảng 500 năm, làng lấy tên là Cự Đà." - Ông Đinh Công Minh - người dân thôn Cự Đà