Tuy nhiên hiện nay, người làng nghề đang gặp khá nhiều trở ngại trong việc mở rộng sản xuất.
Những người thợ tài hoa
Trước kia, công việc chính của làng mộc Ngọc Than là làm các đồ dùng gia dụng như bàn, ghế, giường, tủ và làm nhà mái chảy lợp ngói hoặc lợp tranh. Đến những năm 2000, làng nghề mới phát triển thêm chạm khắc gỗ cao cấp. Hiện nay, chạm khắc đang tạo nên tên tuổi của làng nghề. Sản phẩm chủ yếu của làng giờ là đồ thờ, hoành phi, câu đối, áng văn, cuốn thư, đình, chùa cổ... Bằng sự sáng tạo và những đôi tay tài hoa, người thợ Ngọc Than đã tạo nên nhiều sản phẩm kiệt tác từ gỗ.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề mộc, Chủ tịch Hội làng nghề mộc Ngọc Than Đỗ Đình Thường cho biết, nghề chạm khắc các công đoạn đều làm thủ công. Vì vậy, khi chọn cần rất cẩn thận chọn loại gỗ ít cong vênh, có độ dẻo, dai đảm bảo khi khô không bị mối mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc sảo, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc sinh động, có hồn. “Đây là nghề không đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, kiên trì, khéo léo và tâm huyết thì mới có thể chạm đến sự thăng hoa thổi hồn vào những khối gỗ, giúp chúng trở nên sống động và lan truyền cảm xúc tới người thưởng lãm” – ông Thường cho hay.
Hiện nay, làng Ngọc Than có trên 100 xưởng mộc với quy mô lớn, quy tụ hàng trăm thợ trẻ có tay nghề cao. Tên tuổi và uy tín của làng nghề ngày càng được nhiều người biết đến, sản phẩm đã vươn ra được thị trường khó tính. Đặc biệt, trong làng đã xuất hiện nhiều “phó cả” nghề mộc có thể đảm đương được việc phục dựng các công trình nhà cổ, đình, chùa... ở khắp cả nước. Thậm chí, nhiều người thợ trong làng còn được đi thi công các công trình lớn ở nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ...
Mong muốn phát triển
Dù năm nay mới 30 tuổi nhưng anh Nguyễn Quý Doan đã gây dựng được một cơ sở sản xuất của riêng mình. Nhờ có tay nghề cao, làm ăn uy tín nên khách hàng của anh khá nhiều, do vậy, thời gian tới anh rất muốn mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn và mặt bằng nên dự định của anh đành phải gác lại. Khó khăn của anh Doan cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề mộc Ngọc Than hiện nay. Thực tế, người dân chủ yếu phải tận dụng không gian sinh hoạt chung của gia đình làm xưởng sản xuất, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt và môi trường nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, làng nghề mộc Ngọc Than có vai trò rất quan trọng với địa phương. Ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế, làng nghề còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương và một số địa phương lân cận. Đặc biệt, nhờ có nghề mà thanh niên trong làng rất chí thú làm ăn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn ổn định. Tuy nhiên, việc thiếu mặt bằng sản xuất đang là một khó khăn lớn của làng nghề. Tới đây, địa phương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng điểm công nghiệp làng nghề để người dân có điều kiện tốt hơn trong phát triển nghề truyền thống, xa hơn nữa là phát triển thành một địa điểm du lịch làng nghề trong tương lai.