Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãng phí tiềm năng không gian công cộng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn không gian công cộng (KGCC) ở Việt Nam còn khó định hình, mang tính bền vững là những nội dung được thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm “Không gian công cộng: Kết nối truyền thống và tinh thần đương đại” do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức ngày 4/10.

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động với chủ đề “Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội”, hướng tới Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 vì mục tiêu phát huy các nguồn lực văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng sáng tạo.  

Khó định hình không gian công cộng

Như nhiều nơi khác ở Việt Nam, Hà Nội vẫn được các du khách nhìn nhận như một TP sôi động và náo nhiệt của các sinh hoạt công cộng. Tuy thế, phần lớn các hoạt động này thường bám theo những không gian khó định hình như vỉa hè, góc phố hơn là tại những không gian cụ thể dành riêng như những quảng trường ở phương Tây. Thậm chí trong đô thị truyền thống của người Việt không tồn tại khái niệm quảng trường. Nhiều chuyên gia thừa nhận thực tế này và coi đó là hạn chế.

Quàng trường Cách mạng tháng Tám. 
Quàng trường Cách mạng tháng Tám. 

Theo KTS Lê Phước Anh: “Quảng trường là định nghĩa phổ biến nhất cho KGCC trên thế giới nhưng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, hầu hết quảng trường có vai trò giống như một đảo giao thông hơn là nơi hội tụ những hoạt động giao lưu văn hóa xã hội, mang bản sắc địa điểm và tinh thần nơi chốn. Điều này vô hình chung đã làm lãng phí một không gian tiềm năng cho việc nghỉ ngơi, thư giãn, giao lưu, giải trí, tương tác xã hội hay thậm chí trở thành đại diện, biểu tượng cho những giá trị đặc trưng nào đó của đô thị”.

KTS Lê Phước Anh chia sẻ tại buổi toạ đàm.
KTS Lê Phước Anh chia sẻ tại buổi toạ đàm.

Chỉ ra nguyên nhân của việc khó định hình KGCC, các chuyên gia đưa ra hàng loạt những hình ảnh được dư luận quan tâm gần đây như: Cà phê đường tàu được khách du lịch nước ngoài yêu thích, bích hoạ Phùng Hưng, dự án nghệ thuật Phúc Tân… để so sánh về KHCC giữa phương Tây và ở Việt Nam.

Theo đó, KGCC ở phương Tây thường có không gian chuyên biệt, có thể tập trung đông người. Nhưng ở Việt Nam, KGCC thường có tỉnh tổng hoà, cần có đời sống tập thể nên không gian công cộng nảy mầm, đan xen ở nhiều nơi. Chính từ việc phân biệt KGCC một cách lý tính, nhập nhằng ranh giới giữa chung và riêng; giữa đô thị và nông thôn; chức năng và ý nghĩa dẫn đến việc khó định hình KGCC ở nước ta.

Đề cập cụ thể hơn đến những đặc thù của KGCC phương Tây TS Emmanuel Cerise - Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho rằng rất nhiều giải pháp có tính khả thi cao khi áp dụng tại Việt Nam cũng như Hà Nội. Ví dụ, quảng trường République (Pháp) sử dụng rất nhiều tượng nữ thần. Ở thế kỷ XIX, quảng trường này cũng mang tính chất một đảo giao thông nhiều hơn, với lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn. Tuy nhiên, về sau này, địa điểm trên đã theo xu hướng lan tỏa những giá trị hòa nhập với cộng đồng, nơi đi bộ, giao lưu văn hóa của cư dân, tham quan của du khách.

Tăng cường tính bền vững

Theo các KTS, với các đô thị, TP của Việt Nam, một mặt, đang bị sức ép chi phối bởi vấn đề toàn cầu hóa, liên quan đến việc định hình và giữ vững bản sắc văn hóa. Mặt khác, đang hướng tới sự phát triển được lồng ghép với nhiều mục đích như: Đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị bền vững.

Việc kiến tạo các KGCC liên quan đến nhiều chủ thể trong xã hội, không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước, các DN, các nhà thiết kế tổ chức không gian và nghệ thuật, mà còn cả cộng đồng xã hội, cùng chung tay sáng tạo và đóng góp ý tưởng. Tuy nhiên, thực tế các KGCC hầu hết trong các đô thị của Việt Nam còn thiếu thốn và chưa được quan tâm, hoặc có nhưng chưa được thiết kế và đầu tư thỏa đáng.

TS Emmanuel Cerise chia sẻ: Những năm gần đây, không gian công cộng được hình thành nhiều tại Hà Nội, điển hình như dự án con đường gốm sứ. Tuy nhiên, phần lớn KGCC còn thiếu tính bền vững. Ví dụ như những dự án vẽ hoa văn trên nền gạch của phố Tràng Tiền chỉ tồn tại được vài tháng đã hư hỏng hay tình trạng con đường gốm sứ bị bong tróc.

Đồng quan điểm trên, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển 2 dự án bích hoạ Phùng Hưng và dự án nghệ thuất Phúc Tân chia sẻ: Bản thân dự án không đươc gọi là nghệ thuật công cộng mà chỉ là cải tạo cảnh quan; hay cải tạo bờ vở sông Hồng. Chính vì vậy, khái niệm về nghệ thuật công cộng hay KGCC chưa chính danh.

Theo các chuyên gia, trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị là việc hết sức quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công trong việc quy hoạch và đầu tư xây dựng. Nội dung đó, được cụ thể hóa bằng các định hướng và giải pháp như: Các cấp chính quyền đô thị cần lồng ghép quy hoạch thiết kế nghệ thuật cho các KGCC vào trong các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị. Cần xây dựng mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, linh hoạt và hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư.

Tại toạ đàm, TS Emmanuel Cerise đưa ra gợi mở trong việc phát triển KGCC ở Hà Nội. “Hà Nội sắp sửa có nhà ga tàu điện ngầm, đó là không gian có thể khai thác làm không gian nghệ thuật không cộng. Bên cạnh đó, Hà Nội có thể chỉnh trang, quy hoạch lại các không gian vườn hoa, quảng trường trong nội đô. Ví dụ Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) đang hỗ trợ quận Hoàn Kiếm chỉnh trang vườn hoà Diên Hồng có diện mạo mới.

Tóm lại, chúng ta xác định KGCC không chỉ đơn thuần có tính chất phục vụ cộng đồng thông thường như tiện nghi đô thị mà còn là không gian mở ra sáng tạo nghệ thuật công cộng, hướng tới cộng đồng”.

 

Không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một thành phố sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Đại học quốc gia Hà Nội