Chưa sống được bằng nghề
Mỗi phường múa rối nước thường có những đặc điểm riêng và múa rối nước Đào Thục không phải là ngoại lệ. Điểm đặc biệt của nghệ thuật rối nước nơi đây như lời ông Nguyễn Văn Chương - Trưởng phường Rối nước Đào Thục chia sẻ, là các tích trò bình dị, mộc mạc, dân dã… Bên cạnh đó, nghệ thuật rối nước còn phản ánh chân thực bối cảnh lịch sử và đời sống văn hóa đương thời. Một số tích trò đã tạo nên thương hiệu cho làng rối cổ này có thể kể tới như: “Trâu chui ống”, “Lên võng xuống ngựa”; “Tễu bắt ác”… Nội dung các tích trò ca ngợi cuộc sống yên bình nơi thôn quê, sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân, đồng thời, lên án những bất công trong chế độ cũ… Về sau, các nghệ nhân kế cận làng rối nước Đào Thục đã sáng tạo thêm nhiều tích trò mới, nhưng vẫn giữ nguyên ý tứ. Nhiều tích trò đã trở nên quen thuộc với người yêu thích nghệ thuật rối nước như: “Hát chèo”, “Tráng sĩ đánh hổ”, “Thạch Sanh”…
Ông Ngô Minh Phong - Phó Trưởng phường Rối nước Đào Thục, người có trên 30 năm gắn bó với nghệ thuật rối nước làng Đào Thục cho biết, phường hiện có 2 đội múa rối nước, với khoảng 30 nghệ nhân tham
gia. Hàng năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, phường rối vẫn nhận những đơn đặt hàng đi biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ hội đền Cổ Loa, những tour biểu diễn theo hợp đồng với các công ty lữ hành dành cho du khách trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, khi được hỏi về thu nhập, ông Phong không giấu được vẻ buồn rầu: Nghệ nhân rối nước chưa thể sống được bằng nghề! Thực tế, thu nhập từ một buổi biểu diễn tại “thủy đình” của làng chỉ khoảng 60.000 đồng/người. Nếu đi lưu diễn, thu nhập có thể dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào phường rối cũng có thể đi diễn xa nhà, trong khi những tour lưu diễn cũng ngày một ít. Không có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống, người dân làng Đào Thục chỉ còn biết trông vào cây lúa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất, phát triển các ngành dịch vụ… Lớp trẻ trong làng cũng rủ nhau đi ra thiên hạ làm để kiếm đồng lương cao hơn.
Mong đừng nhạt phai
Không có điều kiện lưu diễn nhiều nơi, nhưng rối nước Đào Thục vẫn được đông đảo du khách, người yêu thích nghệ thuật truyền thống biết tới. Hàng năm, rất nhiều đoàn khách quốc tế vẫn về thăm làng rối nước Đào Thục. Năm 2014 vừa qua, một đoàn gồm 23 đại sứ quán các nước tại Việt Nam đã về thăm làng. Ngạc nhiên, rồi thán phục là cảm giác chung của những người nước ngoài lần đầu tiếp cận với bộ môn nghệ thuật này. Thậm chí, cũng trong năm 2014, Viện Bảo tàng rối nước của Nga còn xin phép được đưa một số mẫu con rối của làng Đào Thục về trưng bày, với mục đích tôn vinh giá trị rối nước truyền thống của Việt Nam. Dù vậy, để du khách thập phương biết nhiều hơn đến rối nước làng Đào Thục sẽ là công việc không dễ dàng.
Dù chưa thể sống được bằng nghề rối nước, nhưng không vì thế mà người dân nơi đây thờ ơ với việc bảo tồn các giá trị truyền thống. Theo ông Chương, hàng năm, phường rối Đào Thục vẫn tổ chức đều đặn 2 - 3 lớp đào tạo cho những người yêu thích nghệ thuật rối nước, đặc biệt là lớp trẻ. Trong quản lý, phường rối Đào Thục cũng đang trẻ hóa để phát huy tính năng động, sáng tạo, bắt kịp xu thế phát triển, thị hiếu của người xem. Qua đó tìm đường đưa rối nước Đào Thục đến gần hơn với công chúng, từng bước khẳng định vị thế của mình trong làng rối nước đất Hà thành…
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của TP, làng rối nước Đào Thục đã được đầu tư, xây dựng “thủy đình” (khu vực phục vụ biểu diễn) và khuôn viên xung quanh, bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng... Tuyến đường dẫn từ trung tâm huyện Đông Anh về làng rối cổ này cũng được xây dựng mới khang trang, rộng đẹp. Hàng năm, huyện đều có kế hoạch cụ thể để gìn giữ, phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có rối nước làng Đào Thục. Ngoài ra, những khoản đầu tư kinh phí hỗ trợ nghệ nhân đi biểu diễn, hoặc mua sắm, chế tác trang thiết bị, đồ nghề, con rối… phục vụ việc biểu diễn vẫn được huyện quan tâm. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng thẳng thắn cho biết, những khoản hỗ trợ này còn rất hạn chế (!). Chính vì vậy, để rối nước làng Đào Thục có thể “sống dậy” mạnh mẽ hơn, rất cần sự quan tâm từ phía ngành văn hóa của TP cũng như các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản.
Du khách nước ngoài say mê xem các nghệ nhân tạo hình con rối.
|
Điều chúng tôi mong mỏi hiện nay không hẳn chỉ là những hỗ trợ về mặt vật chất. Mà quan trọng hơn là công tác thông tin - tuyên truyền - quảng bá - giới thiệu để rối nước Đào Thục được người dân biết đến nhiều hơn...”. Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Văn Chương |