Theo ghi nhận thực tế, từ ngày 7/9 đến nay, vào một số thời điểm, người dân không thể liên lạc qua điện thoại di động, chất lượng 3G, 4G, mạng internet cũng bị giảm xuống.
Theo đánh giá của Sở TT&TT tỉnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến nhiều vị trí trạm thu phát sóng tự động (BTS) bị gián đoạn hoạt động và nhiều tuyến cáp quang bị đứt.
Ông Trần Hữu Giang - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, từ trước khi bão số 3 đi vào đất liền, Sở đã đề nghị các đơn vị cung cấp viễn thông rà soát, bố trí nhân lực và thiết bị, nhiên liệu tại các vị trí xung yếu, các khu vực có thể bị ảnh hưởng, cô lập do bão. Tuy nhiên, do sức ảnh hưởng của bão quá lớn nên vẫn gây ra những thiệt hại nhất định. Cụ thể, tính tại thời điểm 9 giờ ngày 9/9/2024, toàn tỉnh có 108 trạm BTS và 49 tuyến cáp nội tỉnh gặp sự cố.
Trước tình trạng trên, Sở TT&TT, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đã cập nhật liên tục các vị trí, khu vực bị gián đoạn thông tin liên lạc và chỉ đạo, huy động nhân lực, phương tiện khắc phục kịp thời.
Thông tin từ Viettel Lạng Sơn, đơn vị đã rà soát những vị trí trạm BTS có nguy cơ cao bị cô lập khi cơn bão diễn ra và đã chuẩn bị nhiên liệu và nhân lực túc trực sẵn tại các trạm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão quá lớn, một số trạm BTS vẫn bị tạm dừng hoạt động do máy phát điện hết nhiên liệu, hệ thống ăng-ten bị hư hại. Cụ thể, có 35 trạm BTS (trong số hơn 800 trạm) và 24 tuyến cáp nội tỉnh của Viettel Lạng Sơn gặp sự cố, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin liên lạc của người dân.
Ông Bùi Đình Khoa - Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết đã huy động gần 500 nhân viên và 14 xe ô tô chuyên dụng của đơn vị để rà soát, ứng cứu tại các vị trí xảy ra sự cố sau bão số 3. Hiện tại, đơn vị đang tập trung khoảng 350 nhân lực để xử lý sự cố tại địa bàn các huyện bị ảnh hưởng lớn nhất như Tràng Định, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập và thành phố Lạng Sơn. Trong đó, đơn vị tập trung tiếp nhiên liệu, sửa chữa hư hại về kỹ thuật để các trạm BTS hoạt động ổn định trở lại trong 1 - 2 ngày tới.
Ông Ngô Quang Việt - Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác Tổng Công ty mạng lưới Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel) cho biết: từ ngày 5/9, đơn vị đã huy động kỹ thuật viên, nhân viên từ Tổng Công ty đến hỗ trợ Viettel Lạng Sơn xây dựng phương án chuẩn bị ứng phó bão. Cùng đó, triển khai bổ sung thêm các đường truyền dữ liệu từ thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang... kết nối với tỉnh Lạng Sơn để đảm bảo tính ổn định của hệ thống trong trường hợp các đường truyền nội tỉnh xảy ra sự cố.
Ông Phạm Đức Vinh, Giám đốc VNPT Lạng Sơn thông tin thêm, bên cạnh việc khắc phục sự cố, VNPT Lạng Sơn còn triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo việc truyền dẫn dữ liệu của các trụ sở, cơ quan Nhà nước. Cụ thể, đơn vị đã dự phòng các thiết bị đàm thoại vệ tinh và thiết bị liên lạc vô tuyến sóng ngắn. Đồng thời, liên tục giám sát tình hình hoạt động của hệ thống dữ liệu văn bản của tỉnh (VNPT IOffice) để đảm bảo công tác trao đổi thông tin của các đơn vị trong suốt thời gian cơn bão diễn ra.
Theo thông tin từ Sở TT&TT, các đơn vị trên địa bàn là Viettel Lạng Sơn, VNPT Lạng Sơn, Mobifone Lạng Sơn đã và đang tích cực dồn lực xử lý các vị trí bị hư hại do bão. Tính từ 9 giờ đến 16 giờ ngày 9/9, các đơn vị đã khắc phục sự cố với 34/108 trạm BTS; xây dựng phương án sửa chữa đối với 49 tuyến cáp bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, hiện nay, 3 nhà mạng trên đã phối hợp triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí. Theo đó, các thuê bao của các mạng di động có thể được tự động kết nối để thực hiện cuộc gọi, nhắn tin SMS trên hạ tầng của nhà mạng khác để tránh bị gián đoạn.
Hiện tại, Sở TT&TT đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị viễn thông tập trung tối đa nguồn lực, ưu tiên khắc phục hệ thống hạ tầng cung cấp dịch vụ đàm thoại để đảm bảo việc liên lạc của người dân (dự kiến đến ngày 11/9 sẽ hoàn thành 100%). Riêng đối với các tuyến đường truyền internet, do công tác rà soát thuê bao, vị trí sự cố phụ thuộc vào việc khắc phục hệ thống điện nên sẽ hoàn thành trong tháng 9/2024.