Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo Libya khẳng định không tháo chạy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại tá Muammar Gaddafi hôm qua xuất hiện trên truyền hình khẳng định không bỏ chạy khỏi đất nước do hỗn loạn như tin đồn, đồng thời miệt thị các hãng thông tấn nước ngoài

KTĐT - Đại tá Muammar Gaddafi hôm qua xuất hiện trên truyền hình khẳng định không bỏ chạy khỏi đất nước do hỗn loạn như tin đồn, đồng thời miệt thị các hãng thông tấn nước ngoài

Gaddafi xuất hiện chỉ chưa đầy một phút trên truyền hình vào buổi chiều theo giờ địa phương. Ông ngồi ghế sau một chiếc xe màu trắng cũ và tự che ô vì trời mưa khi tuyên bố: "Tôi hài lòng vì đã nói trước thanh niên ở Quảng trường Xanh tối nay. Tôi muốn nói rõ với họ rằng tôi đang ở Tripoli chứ không phải Venezuela. Đừng có tin những kênh nước ngoài, chúng chỉ là những con chó thôi".

Trước đó tin đồn lan rộng trong cả ngày đầu tuần về việc Đại tá Gaddafi đã buộc phải tháo chạy khỏi Libya, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu với các phóng viên ở Brussels rằng ông "thấy có thông tin Gaddafi đang trên đường tới thủ đô Caracas của Venezuela".

Lời khẳng định không lưu vong của Gaddafi xuất hiện sau khi lực lượng an ninh và người biểu tình đụng độ trong đêm thứ hai tại thủ đô Tripoli. Theo BBC, các nhân chứng nhìn thấy máy bay chiến đấu và trực thăng bắn vào người biểu tình trong thành phố. Quân đội Libya cũng lên tiếng khẳng định họ sẽ quét sạch những phần tử chống chính phủ.

Hiện sân bay Tripoli đông nghẹt hành khách tìm cách rời khỏi Libya, gồm nhiều người nước ngoài và thân nhân của họ. Trên đường phố thủ đô thì gần như không có người, ngoại trừ cảnh sát có vũ trang và các nhân viên an ninh mặc thường phục, những người xuất hiện khắp mọi nơi.

Các mạng điện thoại di động ở thủ đô Libya tê liệt và ngay cả mạng điện thoại cố định cũng không thể gọi ra nước ngoài. Chính quyền Libya mô tả những người biểu tình là "băng đảng khủng bố gồm chủ yếu là những thanh niên bị xúi giục làm bậy" và bị những người nghe theo các hãng truyền thông nước ngoài lợi dụng.

Các phóng viên nước ngoài bị giới hạn tối đa khi làm việc tại Libya nên hầu hết các thông tin xuất phát từ đây không thể kiểm chứng. Nhưng chính quyền nước này thừa nhận hai thành phố phía đông là al-Bayda và Benghazi, nơi khởi đầu các cuộc biểu tình, hiện đã nằm trong sự kiểm soát của phe đối lập.

Trong khi đó, làn sóng chống chính phủ lan tới thủ đô Tripoli hôm chủ nhật vừa qua, khi người biểu tình tràn ra đường và bị lực lượng an ninh trấn áp. Các nhân chứng khẳng định các máy bay đã bắn vào người biểu tình và ước tính có hơn 50 người thiệt mạng ở Tripoli trong hai ngày qua.

Trong bối cảnh hỗn loạn trên đường phố, các quan chức cao cấp bắt đầu rời bỏ chính quyền của đại tá Gaddafi. Báo Quryna đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Mustapha Abdul Jalil đã từ chức để phản đối việc "sử dụng vũ lực quá lớn" của chính phủ. Đặc sứ của Libya tại Liên đoàn Ảrập Abdel Moneim al-Honi cũng tuyên bố "tham gia cuộc cách mạng".

Các nhà ngoại giao Libya tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York thì kêu gọi quốc tế can thiệp để chấm dứt hành động bạo lực của chính phủ quê nhà. Phó đại sứ Libya Ibrahim Dabbashi cho rằng người dân Libya cần phải được bảo vệ khỏi "nạn diệt chủng". Nhà ngoại giao cao cấp nhất của Libya tại Mỹ là Ali Aujali còn chỉ trích đại tá Gaddafi và khẳng định với BBC rằng "không ủng hộ chính phủ giết hại người dân".

Các nước cũng bắt đầu lên tiếng về hành động trấn áp người biểu tình tại Libya. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Washington "cùng với cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ bạo lực tại Libya" và cho rằng đã đến lúc "chấm dứt vụ tắm máu không thể chấp nhận này".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thì bày tỏ "sự phẫn nộ" về thông tin chính quyền Libya bắn vào người biểu tình bằng máy bay quân sự. Ông cảnh báo Libya đang cấu thành hành động vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế. Các ngoại trưởng EU cũng ra tuyên bố chung lên án vụ trấn áp tại Libya.

Đây là thách thức lớn nhất đối với đại tá Muammar Gaddafi, lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất châu Phi và Trung Đông với 42 năm liên tục. Tình hình hỗn loạn tại Libya đang góp phần đẩy giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.