KTĐT - Đại tá Moammar Gadhafi thề chiến đấu “tới giọt máu cuối cùng” và ủng hộ việc những người thân chính phủ tấn công người biểu tình.
Sau một tuần xuống đường, những người biểu tình nắm quyền kiểm soát gần một nửa vùng duyên hải dài gần 1.600 km nằm bên bờ Địa Trung Hải của Libya nhờ sự ủng hộ của những đơn vị quân đội chống chính phủ. Trong vùng này có nhiều khu vực sản xuất dầu mỏ, AP cho biết.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm qua, đại tá Gadhafi, nhà lãnh đạo Libya, kêu gọi những người ủng hộ chính phủ giành lại quyền kiểm soát những thành phố đang trong tay người biểu tình.
“Các bạn, những người đàn ông và phụ nữ yêu mến Gadhafi, hãy ra khỏi nhà, ra đường phố và tấn công những kẻ nổi loạn ngay tại hang ổ của chúng”, AP dẫn lời ông Gadhafi.
Những người ủng hộ chính phủ tại thủ đô Tripoli bắn súng lên trời để cổ vũ nhà lãnh đạo Libya sau khi ông phát biểu. Trong khi đó, người biểu tình tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, ném giày vào màn hình lớn khi hình ảnh của ông hiện ra trên đó.
Đài truyền hình quốc gia chiếu cảnh đám đông ủng hộ Gadhafi tập trung tại quảng trường Xanh ở thủ đô Tripoli, giơ cao chân dung của ông và vẫy quốc kỳ. Họ nghiêng ngả theo giai điệu của một bản nhạc sau khi ông phát biểu.
Cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại trước cuộc khủng hoảng tại Libya, bởi làn sóng biểu tình tại nước này vừa đẩy giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Nhiều nước gấp rút đưa công dân của họ ra khỏi Libya. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn và ra tuyên bố lên án hành động trấn áp người biểu tình của chính phủ Libya, bày tỏ “sự lo ngại sâu sắc” và kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức.
Tại thành phố Benghazi, Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younis, một trong những quan chức thân cận nhất với Gadhafi và cũng là chỉ huy của lữ đoàn đặc nhiệm Tia Sét, tuyên bố ông từ bỏ chính phủ và nhiều đơn vị quân đội khác sẽ tham gia cuộc nổi dậy.
Các hãng tin phương tây cho biết gần 300 người đã thiệt mạng vì bạo lực kể từ làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát tại Libya hôm 17/2. Đây là thách thức lớn nhất đối với đại tá Muammar Gaddafi, lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất châu Phi và Trung Đông với 42 năm liên tục.