Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nói gì về phương án cứu cháu bé Hạo Nam?

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, với sự tập trung triển khai cứu hộ, hy vọng đến cuối ngày hôm nay (4/1) sẽ nhổ được cọc ống bê tông lên mặt đất để thực hiện các biện pháp cứu hộ tiếp theo.

Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, về phương án cứu hộ, trong đêm (3/1), lực lượng cứu hộ đã áp dụng 2 kỹ thuật khoan guồng xoắn và khoan áp lực nước cao để xoáy làm tan rã đất. Tuy nhiên, gặp tầng địa chất là đất sét bám dính nên kỹ thuật khoan áp lực nước cao không hiệu quả. Do đó phải áp dụng khoan guồng xoắn, đường kính mũi khoan nhỏ hơn để dễ dàng thao tác, thích nghi trong điều kiện phần diện tích còn lại.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp bàn phương án cứu hộ cháu bé Hạo Nam một cách an toàn nhất. Ảnh PV
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp bàn phương án cứu hộ cháu bé Hạo Nam một cách an toàn nhất. Ảnh PV

“Về công tác cứu hộ, đã hoàn thành khâu khoan bằng thiết bị khoan guồng xoắn đến độ sâu cần thiết. Chúng tôi đã phá vỡ và làm tan rã được phần đất ở xung quanh ống ở độ sâu cần thiết, tức là khoan ngang với đáy cọc khoảng 35m. Kết thúc công đoạn khoan guồng xoắn để làm tan rã đất xung quanh và mang lên khỏi mặt đất để làm trống cũng như giảm lực ma sát tối đa. Tiếp theo là dùng cáp chuyên dụng và dùng cẩu có trọng tải lớn kết nối vào cọc ống để đưa lên khỏi mặt đất. Hiện thực hiện việc khoan guồng xoắn có những phần đã thực hiện xong và xuyên tới đáy cọc, tuy nhiên có những phần vẫn phải tiếp tục dùng khoan guồng xoắn” - ông Đoàn Tấn Bửu cho hay.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực triển khai các phương án một cách hiệu quả nhất. Ảnh PV
Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực triển khai các phương án một cách hiệu quả nhất. Ảnh PV

"Lúc 10 giờ 40 phút, lực lượng cứu hộ đã triển khai diễn tập sơ bộ phương án cắt, cưa thử các ống cọc bê tông với độ dày và mác bê tông rất cao bằng các thiết bị chuyên dụng nhằm đảm bảo thi công thành công. Các đơn vị cũng đã triển khai công tác phối hợp. Nhìn chung từ hôm qua đến nay vẫn tiếp diễn khẩn trương, từ đơn vị thi công cho đến lãnh đạo thi công ở hiện trường. Với sự tập trung triển khai cứu hộ, hy vọng đến cuối ngày hôm nay sẽ nhổ được cọc ống bê tông lên mặt đất để thực hiện các biện pháp cứu hộ tiếp theo" - ông Đoàn Tấn Bửu thông tin thêm.

Lực lượng công binh chuẩn bị máy móc dụng cụ để sử dụng phương án cắt trụ. Ảnh PV
Lực lượng công binh chuẩn bị máy móc dụng cụ để sử dụng phương án cắt trụ. Ảnh PV

Về thời tiết, hôm qua dự kiến có mưa nhưng lại không mưa do đó các biện xử lý cống, rãnh và biện pháp bơm hút chống ngập ở hiện trường được duy trì. Trạng thái mặt bằng thi công tốt và các máy móc thiết bị sẵn sàng. Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục ưu tiên bằng việc khoan guồng xoắn để cứu cháu Hạo Nam.

Về vị trí cháu Hạo Nam trong trụ bê tông, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, vẫn đang duy trì bơm oxy để thông khí, còn thăm dò bằng các biện pháp nội soi, X Quang vẫn chưa thực hiện được vì hiện nay ưu tiên cứu hộ.

Vị trí cháu bé Hạo Nam trong ông nhồi vẫn là một bài toán bí ẩn. Ảnh PV
Vị trí cháu bé Hạo Nam trong ông nhồi vẫn là một bài toán bí ẩn. Ảnh PV

"Còn vấn đề đảm bảo an toàn thi công cầu, đơn vị giám sát, quản lý yêu cầu thực nghiệm việc che chắn rào, gắn thiết bị cảnh báo để kiểm soát, tuy nhiên đây là trường hợp hy hữu" - ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án vì để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, hiện tỉnh đang tập trung cho công tác cứu hộ và giải quyết khó khăn cho gia đình. Còn trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, khoảng 11 giờ 30 ngày 31/12/2022, cháu Thái Lý Hào Nam cùng ba bạn trong xóm ra công trình cầu Rọc Sen (trên tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) để nhặt sắt vụn. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam bất ngờ bị lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong.

Cầu Rọc Sen thi công khoảng 6 tháng và đã hoàn thành mố cầu hai bên. Mỗi mố được cố định bằng 3 trụ bê tông, rỗng bên trong, độ sâu khoảng 35m. Vài ngày trước đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây.

Khi vụ việc xảy ra, các bạn đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành. Sau đó, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án, trong đó dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc. Tuy nhiên, khi đào xuống khoảng 10m, lực lượng cứu hộ không thể rút được trụ lên. Nhóm cứu hộ bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân uống nhưng đến sáng nay vẫn chưa có tín hiệu nào từ phía nạn nhân.

Ngày 2/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản chỉ đạo tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.