Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung huy động tổng lực các nguồn vốn, tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm các nguồn lực được khơi thông, sử dụng có hiệu quả cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tỉnh cũng rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đã đạt được những kết quả khả quan.
Năm 2024, Tỉnh đã huy động được 60.345 tỷ đồng, trong đó thu hút đầu tư trong nước đạt 7.526 tỷ đồng, vốn ngoài nhà nước đạt 52.769 tỷ đồng (bao gồm: vốn FDI là 50 tỷ đồng, vốn đầu tư của tư nhân và dân cư là 52.474 tỷ đồng). Nhờ huy động được nguồn lực đầu tư nên kinh tế của tỉnh Lào Cai vẫn tiếp tục giữ ổn định và tăng trưởng.
Trong năm này, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 77.223,08 tỷ đồng, tăng 11,76% so với năm 2023, xếp thứ 4/14 tỉnh trung du miền núi và xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình người đạt 97,48 triệu/ người/năm, tăng 8,88 triệu đồng/người/năm so với năm 2023.
Mặc dù việc thu hút đầu tư được coi trọng nhưng lãnh đạo tỉnh Lào Cai khẳng định, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chỉ tập trung ưu tiên những nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực về vốn, công nghệ cao, trình độ quản lý và bảo đảm môi trường.
Lĩnh vực ưu tiên là công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất đai, thân thiện với môi trường.
Kiên quyết không tiếp nhận các dự án quy mô nhỏ lẻ, suất đầu tư thấp, sử dụng công nghệ trung bình, lạc hậu, các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Thời gian tới, tỉnh Lào Cai đã đặt ra mục tiêu nâng cao tỷ lệ thu hút đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước; phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn năm 2025 đạt 15.500 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các giải pháp thu ngân sách từ các nguồn thu nội địa; tăng cường thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các hình thức góp vốn, liên danh, liên kết; thu hút nguồn vốn ODA, các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ nước ngoài.
Phát huy hiệu quả và vai trò dẫn dắt đầu tư của Nhà nước đối với đầu tư ngoài Nhà nước, mở rộng tổng cầu thông qua thực hiện tốt chính sách kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng.
Cùng với đó sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như phát triển thị trường và các thành phần kinh tế; phát triển “đột phá” về hạ tầng giao thông và đô thị tạo nền tảng thu hút vốn đầu tư; phát triển du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu, logistic tạo bước đột phá thu hút đầu tư vào tỉnh Lào Cai; phát triển nguồn lực, chú trọng nguồn lực chất lượng cao trọng du lịch, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo sở thu hút nguốn lực cho phát triển; tăng cường quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất, tạo nguồn lực cho đầu tư, phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi;…
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất và mặt bằng sạch thu hút đầu tư.