Lao động có hợp đồng từ 1 - 3 tháng được tham gia bảo hiểm xã hội: Lợi cả đôi đường

Trần Nga (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định, từ 1/1/2018 người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1 - 3 tháng và một số nhóm NLĐ khác được tham gia BHXH.

Đây được coi như biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng trốn đóng BHXH của các DN, đồng thời mở rộng diện bao phủ BHXH. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trao đổi về vấn đề này.

Từ 1/1/2018, NLĐ có HĐLĐ từ 1 - 3 tháng buộc phải tham gia BHXH. Xin ông cho biết cụ thể về quy định này?

- Theo Luật BHXH 2014, NLĐ có HĐLĐ từ 1 - 3 tháng, NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, Luật quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động (SDLĐ) với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động và người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Điều này có ý nghĩa như thế nào với NLĐ?

- Tính đến hết 30/4, số người tham gia BHXH đạt khoảng hơn 13 triệu người (chiếm khoảng 25% lực lượng lao động). Phần lớn trong số này là những người tham gia BHXH bắt buộc, số NLĐ có HĐLĐ dưới 3 tháng, NLĐ thời vụ chiếm số lượng rất lớn nhưng lại không được tham gia BHXH. Trong khi đó, BHXH được ví như là “của để dành” của NLĐ, nó có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi những rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm… diễn ra một cách thường xuyên và ngày càng phổ biến hơn, phức tạp hơn. Điều này sẽ gây khó khăn cho NLĐ về cả vật chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng không tốt cho không chỉ riêng NLĐ mà cả cộng đồng. Tuy nhiên, nếu tham gia BHXH, BHXH sẽ góp phần trợ giúp cho cá nhân những NLĐ gặp phải rủi ro, bất hạnh bằng cách tạo ra cho họ những thu nhập thay thế và họ có thể độc lập không phụ thuộc vào gia đình, con cháu hay cộng đồng, giúp họ ổn định cuộc sống. BHXH cũng tạo ra những điều kiện lao động thuận lợi…, yên tâm công tác, tạo cho họ một niềm tin vào tương lai. Do vậy, Điều luật này sẽ tạo thêm rất nhiều quyền lợi cho NLĐ có hợp đồng ngắn hạn, đồng thời góp phần làm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH hiện nay.

Hiện có nhiều DN “lách” luật trốn đóng BHXH cho NLĐ. Theo ông, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

- Tôi xin đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn tình trạng “lách” Luật của các DN như sau: Đối với Bộ LĐTB&XH cần khảo sát nắm chắc đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có đối tượng HĐLĐ từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng để có các giải pháp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và có phương án thanh tra, kiểm tra tính tuân thủ pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cần hoàn thiện quy định về khai trình lao động của người SDLĐ và có hướng quy định trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan (Lao động, Tài chính, KH&ĐT, BHXH) trong việc nắm bắt các thông tin về DN và NLĐ.

Đối với cơ quan BHXH cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan liên quan, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như LĐTB&XH, KH&ĐT, Tài chính, Thuế, Liên đoàn Lao động tỉnh, TP, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất để nắm đầy đủ số lượng đơn vị và NLĐ giao kết HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên để yêu cầu người SDLĐ và NLĐ tham gia BHXH bắt buộc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm minh các chế tài xử phạt, đặc biệt là đối với các đơn vị, DN cố tình trốn đóng, nợ đóng BXHH. Ngoài ra, về phía NLĐ cần nhận thức rõ việc tham gia BHXH vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội toàn dân bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, về phía tổ chức công đoàn, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tham gia BHXH cần thường xuyên phối hợp với chủ SDLĐ, yêu cầu chủ SDLĐ, cơ quan BHXH cung cấp thông tin về BHXH của NLĐ. Giám sát và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Tuyên truyền giáo dục cán bộ, đoàn viên công đoàn tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già và đấu tranh với chủ SDLĐ khi không thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định của pháp luật.

Theo ông, liệu có gặp khó khăn từ ý thức của phía người SDLĐ?

- Người SDLĐ phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ vừa là nghĩa vụ xã hội vừa là biện pháp để bảo đảm phát triển DN, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Hơn nữa các khoản đóng góp cho Nhà nước và BHXH đã được hạch toán vào giá thành sản phẩm và loại trừ thuế DN. Thực hiện tốt chính sách cho NLĐ, đặc biệt là tham gia BHXH là cơ sở gắn kết NLĐ với DN và là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện quan hệ lao động. Ngoài ra, tổ chức đại diện người SDLĐ, ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người SDLĐ cần phải tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH cho người SDLĐ thực hiện đầy đủ chính sách cho NLĐ; tham gia thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật BHXH.

Xin cảm ơn ông!