Dự kiến năm 2023, dòng tiền gửi về sẽ tăng 3,6 – 4,5%
Ngày 8/2, Hội thảo Đánh giá kết quả nghiên cứu quốc gia của Việt Nam về Tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong khu vực ASEAN, được tổ chức tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Nhiều thị trường lao động mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani… Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động di cư về nước được chuyên gia trình bày tại Hội thảo nêu rõ: Theo Báo cáo tóm tắt hàng quý mới nhất của Dự án TRIANGLE trong ASEAN công bố năm 2022, có hơn 560.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Nhật Bản là quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cư nhiều nhất trong giai đoạn 2018 – 2021.
Nhìn chung, tiền lương của người di cư và các trợ cấp khác kiếm được ở nước ngoài cao hơn đáng kể so với mức lương trung bình trong nước. Hồ sơ Di cư Việt Nam năm 2016 của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy, người lao động đến Đài Loan có thể mong đợi kiếm được khoảng gấp 4 lần mức lương trung bình mà họ kiếm được ở Việt Nam; lao động di cư sang Nhật Bản có thể kiếm được gấp 7 – 8 lần.
Sự gia tăng đáng kể thu nhập này cho phép người lao động di cư gửi những khoản tiền lớn về nhà cho gia đình của họ. Ngay trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19, 18 tỷ USD kiều hối đã đổ vào Việt Nam năm 2021, chiếm khoảng 4,9% GDP. Khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường, dòng tiền gửi về dự kiến sẽ tăng 4,4% vào năm 2022 và 3,6 – 4,5% vào năm 2023.
Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động di cư về nước cũng cho thấy, người di cư Việt Nam có thể kiếm được mức lương cao hơn ít nhất hai hoặc ba lần so với những người ở quê nhà.
Hỗ trợ an sinh cho lao động di cư trở về
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan khẳng định, lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.
Theo đề cập của Sở LĐTB&XH Quảng Bình, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Bình. Người lao động ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất của các nước phát triển, được làm việc trong môi trường quốc tế, kỷ luật cao và thực hành tác phong công nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng. Những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được từ quá trình làm việc ở nước ngoài giúp người lao động tự tin hơn sau khi trở về Việt Nam khởi nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, những người đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là một chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về nước đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án tài hòa nhập việc làm cho lao động di cư, bà Katherine Loh – Tư vấn quốc tế nêu ý kiến: Lao động di cư quay về cần được hỗ trợ an sinh. Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đều nói rằng các kinh nghiệm, kiến thức họ có được trong quá trình làm việc thật sự có giá trị. Nếu được hỗ trợ, khi trở về thì những người lao động này sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội bằng những kinh nghiệm họ có được trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Chuyên gia tư vấn quốc tế cũng thông tin về việc người lao động di cư, đặc biệt là lao động trẻ luôn gặp khó khăn trong việc chấp nhận mức lương thấp hơn được đưa ra trên thị trường lao động Việt Nam. Những người chấp nhận mức lương thấp hơn cũng nhanh chóng rời bỏ việc làm khi tìm được công việc khác được trả lương cao hơn.
Trước thực tế tái hòa nhập của lao động di cư ở Việt Nam thời gian qua khi trở về vẫn còn nhiều thách thức, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những trao đổi và đưa ra những khuyến nghị. Qua đó để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở về một cách hiệu quả cũng như kết nối giữa thị trường việc làm trong nước và khu vực./.